Nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam đến năm 2030 ước khoảng 3 triệu tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân đang là một trong những giải pháp được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.
Cần 3 triệu tỷ đồng để phát triển kết cấu hạ tầng
Tại Hội thảo “Hợp tác Việt Nam - Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng” tổ chức ngày 16/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thực tiễn những năm qua, mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức đối tác công - tư (PPP), tuy nhiên, việc thực thi các chính sách trong tìm kiếm nhà đầu tư và triển khai các dự án PPP ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.
Để khắc phục những hạn chế đó, Chính phủ nhìn nhận, những bài học kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong thu hút nguồn lực phát triển và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng là rất cần thiết và bổ ích, cần được trao đổi, học hỏi sâu rộng hơn.
Theo tính toán, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam đến năm 2030 là khá lớn, ước khoảng 3 triệu tỷ đồng (chưa tính hạ tầng đường sắt cao tốc, đường thủy, đường sông...). Trong khi đó, nguồn lực cân đối từ ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đến năm 2020 chỉ khoảng 150 nghìn tỷ đồng. Chính vì thế, vấn đề huy động các nguồn lực ngoài nhà nước với nhiều hình thức trên cơ sở tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đang là giải pháp được quan tâm đặc biệt.
PPP sẽ mang lại lợi ích lớn
Ông Alex Wong, Giám đốc Hợp tác về thách thức toàn cầu, Thành viên Ủy ban Chấp hành WEF cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam cần tới 480 tỷ USD cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng từ nay đến năm 2030. Trở thành một quốc gia thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ rất khó có thể dựa vào nguồn lực công. Chính vì vậy, 2/3 nguồn tiền này sẽ buộc phải lấy từ khu vực tư nhân và việc thực hiện PPP sẽ mang lại lợi ích rất lớn.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhận định, Việt Nam đang thực hiện quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhu cầu đầu tư xây dựng mới và bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục cần nhiều nguồn lực để thực hiện. Đây có thể coi là thị trường rất lớn cho các dự án PPP và là cơ hội cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư.
Nhấn mạnh mô hình đầu tư PPP đặc biệt cần thiết trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng, ông Alex Wong cho rằng, PPP là một mối quan hệ dài hạn và chỉ có tác dụng nếu các bên đều hiểu bên kia muốn gì, và các bên đều có chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ rủi ro. Chính vì vậy, đã đến lúc giới doanh nghiệp tư nhân và giới học giả cần cùng nhau thảo luận một cách thẳng thắn về những thách thức đang cản trở đầu tư PPP tại Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Việt Nam đặt khát vọng tới năm 2035 sẽ trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao. Để hiện thực hóa khát vọng này, điều quan trọng là phải thu hút được các nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng thông qua những chính sách hấp dẫn. Thời gian tới, Việt Nam mong muốn cùng với WEF hợp tác nghiên cứu một số vấn đề về phát triển hạ tầng kinh tế và nguồn lực đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng dài hạn. Kết quả hợp tác thu được sẽ là kinh nghiệm, bài học hữu ích để Việt Nam tiếp tục bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cải thiện môi trường đầu tư vào kết cấu hạ tầng.