Cần đấu thầu minh bạch, công khai để lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP thay vì chỉ định thầu. Ảnh: Tiên Giang |
Việc thu hút vốn vào hạ tầng giao thông theo hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Lĩnh vực giao thông đến thời điểm này vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài tham gia vì họ e ngại rủi ro. Cái “ngại” đầu tiên chính là về chính sách. Ngành giao thông có đặc điểm là vốn lớn, đầu tư dài hạn nên các nhà đầu tư rất sợ nếu chính sách, cơ chế hỗ trợ không ổn định, không rõ ràng. Chưa kể các vấn đề khác liên quan đến giải phóng mặt bằng, đền bù giải toả rồi quy hoạch, lãi suất… còn nhiều bất cập.
Liên quan đến PPP, hiện nay chúng ta có hai nghị định liên quan trực tiếp đó là Nghị định số 15/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên đến thời điểm này vẫn chưa được triển khai một cách cụ thể, mọi quy định còn rất chung chung. Ngoài ra, nếu cơ chế chính sách hỗ trợ về tài chính không rõ ràng thì sẽ khó thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư làm ăn chân chính.
Mặt khác, ở nước ta, các dự án này còn mập mờ về thông tin. Chính sự thiếu minh bạch cũng khiến cho các dự án PPP giao thông khó thu hút được nhà đầu tư ngoại.
Việc giải phóng mặt bằng trong thời gian qua làm chưa tốt khiến thời gian thực hiện bị kéo dài, làm chậm quá trình thi công của các dự án. Tôi cho rằng cần sửa đổi theo hướng đẩy mạnh sự phối hợp và trực tiếp chủ động của nhà đầu tư ngay từ đầu chứ không chỉ trông chờ chính quyền địa phương. Trên thế giới, tại các dự án BOT, BT..., nhà đầu tư tự đứng ra thương lượng, ở Việt Nam thì vấn đề thu hồi đất, giải phóng mặt bằng còn nhiều trình tự thủ tục phức tạp không thực tế.
Cơ chế san sẻ rủi ro cũng phải chi tiết, minh bạch, đưa ra các tình huống và kiểm soát san sẻ rủi ro ra sao, các bên thống nhất ký vào hợp đồng. Về pháp lý, sau các nghị định phải là các hướng dẫn minh bạch, kịp thời. Vốn thực có của nhà đầu tư là cái gì, ngân hàng bảo lãnh ra sao…
Nhiều ý kiến cho rằng BOT đang đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi nhiều nhà đầu tư trong nước “tháo chạy” hoặc dừng đầu tư. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng việc “tháo chạy” thời gian qua phải kể tới nguyên nhân do “tay không bắt giặc”. Nhà đầu tư năng lực tài chính thấp, phụ thuộc quá nhiều vốn vay ngân hàng. Đến khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương “siết” chặt nguồn vốn vay đổ vào BOT thì tất nhiên sẽ dẫn đến khó khăn nhất định.
Việc Ngân hàng Nhà nước có chủ trương siết chặt như vậy là đúng. Cần thận trọng cho vay BOT, do nguồn vốn ngân hàng huy động là ngắn hạn nhưng lại đem cho vay trung, dài hạn. Nhà đầu tư muốn làm phải thật sự có khả năng về tài chính, tự huy động vốn một cách hiệu quả bền vững, chứ không thể trông chờ phần lớn vào vốn ngân hàng như thời gian vừa rồi.
Từ nay đến năm 2020, việc thu hút vốn vào các dự án PPP giao thông là rất quan trọng. Theo ông, giải pháp nào để thúc đẩy hơn nữa việc này?
Đầu tiên, tôi cho rằng cần có chính sách hỗ trợ chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư một cách minh bạch, rõ ràng. Các bản hợp đồng phải được xây dựng thật chặt chẽ, trong đó quyền lợi cũng như trách nhiệm của các bên phải được quy định rõ ràng ngay từ đầu. Đặc biệt phải có các quy định ràng buộc các bên thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận trong hợp đồng, cùng hưởng lợi và cùng chia sẻ rủi ro.
Bên cạnh khung pháp lý, khung tài chính và khung kỹ thuật cũng cần được bổ sung, hoàn thiện. Do vậy, cần hoàn thiện sớm theo hướng ổn định, giảm thiểu tối đa sự rườm rà, làm sao cho nhà đầu tư thấy rõ lợi nhuận trong mức rủi ro chấp nhận được. Một việc quan trọng không kém là cần đấu thầu minh bạch, công khai để lựa chọn nhà đầu tư thay vì chỉ định thầu.
Nghị định 15 cũng có quy định về giải pháp chứng khoán hoá các dự án. Luật cho phép nhưng muốn thực hiện thì buộc phải rõ ràng, minh bạch mọi thông tin tài chính ở mức độ rất cao. Không minh bạch thì không thể chứng khoán hoá được. Ngoài ra, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp và tình hình nợ công cao như hiện nay, chỉ nên triển khai những dự án quan trọng, mang lại lợi ích kinh tế - xã hội cao và bền vững.