Khơi dòng chảy vốn đầu tư PPP

(BĐT) - Tại Hội thảo về hợp tác công tư (PPP) do Học viện Tư pháp và Câu lạc bộ Luật sư thương mại quốc tế Việt Nam tổ chức ngày 4/8/2017 tại TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc cần có cái nhìn mới để phát huy thế mạnh của PPP.
Trong bối cảnh vốn dành cho đầu tư công ngày càng thắt chặt lại thì việc tận dụng những thế mạnh của PPP là rất cần thiết. Ảnh: Nhã Chi
Trong bối cảnh vốn dành cho đầu tư công ngày càng thắt chặt lại thì việc tận dụng những thế mạnh của PPP là rất cần thiết. Ảnh: Nhã Chi

Chưa phát huy hết thế mạnh

Thông qua PPP, Nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án nhằm kết hợp được những điểm mạnh của cả hai khu vực này. Tuy nhiên, do việc thực hiện mô hình PPP còn mới mẻ đối với Việt Nam, nên việc thu hút nguồn lực để phát triển ở lĩnh vực này tương đối khó khăn, nhất là thu hút nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài.

Luật sư Trần Tuấn Phong thuộc Công ty luật VILAF cho rằng, việc phát triển kết cấu hạ tầng ở Việt Nam hiện nay cần nguồn vốn rất lớn. Nhưng do chưa giải quyết được bài toán về nguồn vốn và sự cân đối rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân khi tham gia PPP một cách thỏa đáng nên việc thực hiện dự án gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế cho thấy, PPP ở lĩnh vực điện lực đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Thế nhưng, quy trình đầu tư các dự án điện tại Việt Nam và những rủi ro đối với các nhà đầu tư, nhất là điện mặt trời, là không hề nhỏ. Vì vậy, Luật sư Lê Niết thuộc Công ty luật LNT & Partners lưu ý, các nhà đầu tư khi làm hợp đồng PPP phải xem xét đến thời gian thu phí, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại, quyền chuyển nhượng quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án. Đặc biệt, tiến độ góp vốn của các bên góp vốn, tiêu chuẩn, chất lượng công trình đưa vào khai thác, năng lực của bên chuyển nhượng, vi phạm và chế tài là không thể xem nhẹ.

Luật sư Adam Moncrieff thuộc Công ty Allen & Overy cho hay: “Việc phân bổ rủi ro trong dự án PPP cần phải rạch ròi: đâu là rủi ro Nhà nước phải chịu, đâu là rủi ro nhà đầu tư phải chịu. Vì vậy, việc Nhà nước bảo lãnh cho mỗi dự án luôn được xem xét thận trọng, nhất là những dự án về hạ tầng. Nếu không có bảo lãnh, nhà đầu tư sẽ xách vali về nước ngay lập tức. Họ cần một sự bảo đảm cho việc thu hồi vốn của họ, có như thế những nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, mới an tâm được”.

 Mặt khác, nhiều luật sư cũng như các diễn giả tại Hội thảo lập luận rằng, không thể dùng Luật Đầu tư công để bao hàm cả dự án PPP, vì như vậy là chưa hợp lý, trong khi đó khung pháp lý hiện nay quy định chưa sâu và chi tiết về hình thức đầu tư PPP. 

Phải nâng cao hiệu quả đấu thầu

Trong bối cảnh nguồn vốn dành cho đầu tư công ngày càng thắt chặt lại thì việc tận dụng những thế mạnh của PPP bằng một lăng kính mới là rất cần thiết cho cả Nhà nước lẫn nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Trường Thiệp, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp cho hay, ở TP.HCM hiện có hơn 130 dự án PPP, trong đó có khoảng 50 dự án PPP giao thông, nhưng chủ yếu là PPP trong nước. Các dự án PPP về hạ tầng ở phía Nam ít hơn ở phía Bắc. Đối với các nước trên thế giới, PPP là rất thông dụng nhưng ở Việt Nam vẫn rất khó làm. Vì vậy, để làm được điều này, hy vọng mọi người cần phải có cái nhìn mới về PPP, nhất là tận dụng được thế mạnh của đấu thầu. Để phát triển các dự án PPP, cần phải nâng cao hiệu quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Ở Việt Nam hiện nay, hình thức đầu tư PPP có các loại hợp đồng phổ biến là: xây dựng - chuyển giao (BT); xây dựng - cho thuê - chuyển giao (BLT); xây dựng - chuyển giao - cho thuê (BTL); xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT); xây dựng - chuyển giao - vận hành (BTO); xây dựng - sở hữu - vận hành (BOO). Nhiều ý kiến cho rằng, điều đó cũng đồng nghĩa, cánh cửa mở ra đối với lĩnh vực PPP là khá rộng, vấn đề còn lại là nâng cao hiệu quả của việc hợp tác như thế nào mà thôi.

Luật sư Adam Moncrieff cho hay, trong mối quan hệ kinh tế của việc thực hiện một dự án đầu tư, PPP ở đây có thể hiểu là nhà nước chuyển giao quyền lợi, trách nhiệm theo những mức độ khác nhau của một dự án đầu tư cho khối tư nhân. Thông thường, phần lớn nguồn vốn được tài trợ bởi nhà đầu tư còn phần tham gia của Nhà nước không vượt quá 30% tổng mức đầu tư của dự án, trừ trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Cho nên việc cân đối, hài hòa, công khai, minh bạch đối với các dự án PPP là vô cùng cần thiết.

Đa phần các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, nếu Việt Nam có cơ chế tốt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác thực hiện các dự án PPP, còn nếu không họ sẽ tìm cơ hội đó ở các nước khác. Rõ ràng, trong bối cảnh nguồn vốn dành cho đầu tư công ngày càng thắt chặt lại thì việc tận dụng những thế mạnh của PPP bằng một lăng kính mới là rất cần thiết cho cả Nhà nước lẫn nhà đầu tư.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư