ADB kỳ vọng vào Luật PPP của Việt Nam

(BĐT) - Theo Chiến lược 2030 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), khu vực tư nhân sẽ là ưu tiên chủ đạo để nhà tài trợ này hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng, cụ thể là thông qua các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) khả thi. Bên cạnh đó, ADB cũng sẽ ưu tiên đấu thầu qua mạng các dự án mà đơn vị này tài trợ vốn.
Ảnh minh họa: Tường Lâm
Ảnh minh họa: Tường Lâm

Mong chờ Luật PPP

Ông Tomoyuki Kimura, Vụ trưởng Vụ Chiến lược và Chính sách của ADB khẳng định, trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, khu vực tư nhân sẽ là cánh cửa mới cho Chính phủ để cải thiện nền kinh tế. “4/20 tỷ USD mà ADB cho vay tại Việt Nam đã dành cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân vay không bảo lãnh của Chính phủ. Con số này sẽ ngày càng tăng lên bởi chiến lược của ADB trong thời gian tới sẽ tăng cường cho vay khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển từ vay có bảo lãnh chính phủ sang không bảo lãnh. ADB sẽ dựa trên từng dự án cụ thể do tư nhân đề xuất để đánh giá tính khả thi của dự án”, ông Tomoyuki Kimura cho biết.

Theo chia sẻ của các chuyên gia thuộc ADB, hiện tổ chức này vẫn khó tìm kiếm được các dự án mang tính khả thi cao. Tất cả là do quy định về PPP hiện vẫn chỉ ở các văn bản dưới luật, chưa tạo ra nền tảng, niềm tin cho khu vực tư nhân. “Chúng tôi được biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Luật PPP. Phải nói rằng, chúng tôi đang rất mong chờ sự ra đời của luật này, tạo khung pháp lý vững chắc để triển khai các dự án PPP mà ADB tham gia. Sự ra đời của Luật PPP là quá trình tiến bộ, thay đổi nhiều về tư duy huy động và sử dụng vốn để phát triển, xây dựng hạ tầng từ khu vực tư nhân. ADB sẽ đẩy mạnh quy mô hỗ trợ cho dự án PPP tại Việt Nam”, đại diện ADB chia sẻ.

Khẳng định của ADB cho thấy, tổ chức này sẽ trở thành đối tác xây dựng các dự án mà sự tham gia của khu vực tư nhân là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, cùng với các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp tư nhân, ADB sẽ tăng cường năng lực, hỗ trợ để xây dựng nên những dự án khả thi. Chiến lược 2030 của ADB đang đi dần vào cụ thể với việc xúc tiến các dự án khả thi.

Đại diện ADB khẳng định: “Hiện ADB đã hỗ trợ Việt Nam triển khai dự án PPP là tuyến đường Vành đai 3 tại TP.HCM. ADB đang xây dựng kế hoạch dự án đầu tư giai đoạn 2019 - 2022. Ngày 26/3/2019, ADB và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ký biên bản ghi nhớ về danh mục dự án này. Chúng tôi rất mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như các địa phương có nhu cầu về dự án liên quan đến các lĩnh vực mà ADB quan tâm như năng lượng, nước sạch… trao đổi thẳng thắn để cùng đánh giá tính khả thi của dự án”.

Ưu tiên hỗ trợ hoạt động đấu thầu áp dụng công nghệ cao

Bên cạnh việc ưu tiên cho các dự án PPP, Chiến lược 2030 của ADB hướng tới một châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững. Một trong những phương thức ADB muốn đề cập chính là cung cấp dịch vụ tốt hơn và nhanh hơn.

Cụ thể, ADB cho rằng, việc mua sắm kịp thời và phù hợp với giá trị là cốt lõi. Theo đó, ADB sẽ tiếp tục thúc đẩy các hệ thống mua sắm tốt hơn, sử dụng cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc và rủi ro. ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực mua sắm, đấu thầu. Đặc biệt, ADB hỗ trợ trực tiếp cho việc mua sắm, đấu thầu áp dụng công nghệ cao. Phương thức mua sắm phù hợp với xu hướng thời đại, sử dụng công nghệ hiện đại là dịch vụ tri thức của ADB.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện có 7 dự án do ADB hỗ trợ vốn đã chọn hình thức đấu thầu qua mạng để các bên mời thầu triển khai. Đây là các gói thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa áp dụng hình thức đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước. Tổng giá trị 7 dự án này là gần 40 triệu USD. Trong đó có 3 dự án phát triển lưới điện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu trong tháng 3/2019), Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất các tỉnh Tây Nguyên (dự kiến phát hành hồ sơ mời thầu tháng 5/2019)…

Chuyên đề

Kết nối đầu tư