Kiều hối lũ lượt đổ về

Lượng tiền kiều hối chuyển về qua các ngân hàng và các công ty kiều hối bắt đầu tăng mạnh kể từ đầu tuần này và dự báo sẽ rộ lên vào những ngày cuối cùng của năm Ất Mùi.
Khách hàng giao dịch kiều hối tại Ngân hàng Đông Á TP.HCM ngày 26-1 - Ảnh: Tự Trung
Khách hàng giao dịch kiều hối tại Ngân hàng Đông Á TP.HCM ngày 26-1 - Ảnh: Tự Trung

Tại TP.HCM, lượng kiều hối năm 2015 dự báo sẽ cán đích 5,5 tỉ USD, trong khi số kiều hối của cả nước ước khoảng 12,25 tỉ USD, tăng nhẹ so với năm 2014.

Chuyển tiền đến 29 tết 

Giám đốc một công ty kiều hối trực thuộc một ngân hàng cổ phần cho biết trong tháng 1-2016, lượng kiều hối chuyển về qua công ty này lên đến 50 triệu USD, tăng mạnh so với mức bình quân 42 triệu USD/tháng trong năm 2015. 

“Doanh số những ngày giáp tết năm nay là một ẩn số do Tết Nguyên đán năm nay trùng vào dịp cuối tháng, thời điểm mà lao động xuất khẩu nhận lương, nên dự báo số tiền chuyển về tăng mạnh. Do đó, chúng tôi sẽ làm việc đến ngày cuối cùng để kịp thời chuyển tiền đến tay người nhận để họ có tiền tiêu tết” - vị này nói. 

Ông Trần Văn Trung, giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, cũng dự báo từ 23 tháng chạp, kiều hối chuyển về sẽ dồn dập. “Từ đầu tuần này, tiền chuyển về đã bắt đầu tăng, chúng tôi phải tăng cường lực lượng nhằm chi trả kịp thời” - ông Trung cho biết. 

Theo ông Trung, trong năm nay lượng kiều hối qua công ty này đạt doanh số khoảng 1,4 tỉ USD. 

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM Nguyễn Hoàng Minh cũng cho biết thông thường doanh số kiều hối trong quý 4 năm cũ và tháng giêng năm mới chiếm đến 40% lượng kiều hối chuyển về trong năm. 

Trong năm 2015, theo một báo cáo do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, VN đón lượng kiều hối khoảng 12,25 tỉ USD, đứng thứ 11 thế giới, tăng nhẹ so với con số 12 tỉ USD của năm 2014. 

80% đến từ Mỹ, châu Âu 

Một trong những lý do khiến nguồn kiều hối năm nay chỉ nhích nhẹ so với năm trước, theo các doanh nghiệp, là do một số thị trường xuất khẩu lao động gặp khó. 

Tổng giám đốc Công ty chuyển tiền toàn cầu VietinBank Trần Thị Tuyết Mai cho biết chiếm phần lớn trong nguồn kiều hối chuyển về là từ thị trường Mỹ, Úc và Canada, trong đó Mỹ chiếm tỉ lệ lớn nhất với khoảng 7 tỉ USD trong tổng lượng kiều hối chuyển về VN trong năm. 

Trong khi đó, nhiều thị trường xuất khẩu lao động trong năm qua đã bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chẳng hạn ở Angola do bất ổn chính trị nên lao động ở đây không mua được ngoại tệ để chuyển về. Một số thị trường xuất khẩu lao động khác như Hàn Quốc cũng gặp khó khăn. 

Ngoài ra, một số quốc gia siết chặt quy định về phòng chống rửa tiền theo hướng giới hạn nguồn tiền chuyển về. Riêng tại TP.HCM, nguồn kiều hối từ Mỹ và châu Âu vẫn chiếm trên 80%, trong khi nguồn từ lao động xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 6,7%. 

Để thu hút hơn nữa nguồn kiều hối, nhiều công ty kiều hối và ngân hàng cho biết đang tích cực mở rộng thị trường nhằm tìm kiếm thêm nguồn kiều hối. Đại diện Agribank cho biết bên cạnh các thị trường truyền thống, đơn vị này còn mở rộng thêm thị trường như Đài Loan và Nga - nơi tập trung lượng Việt kiều định cư, kinh doanh hoặc xuất khẩu lao động khá lớn. 

“Nguồn kiều hối chủ yếu từ khách lẻ nên phải có các dịch vụ cộng thêm, đánh vào nhu cầu của họ, chẳng hạn đổi tiền mới nếu khách hàng nhận VND vào thời điểm cận tết” - vị này nói. 

Kiều hối đổ vào đâu? 

Có nhiều lo lắng lượng kiều hối chuyển về VN sẽ bị ảnh hưởng khi lãi suất huy động USD rơi xuống mức 0%/năm từ cuối năm 2015. Tuy nhiên, nhiều công ty kiều hối thừa nhận có ảnh hưởng nhưng không quá lớn. 

Trong khi đó, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, hơn 70,8% kiều hối chuyển về trên địa bàn đã chảy vào sản xuất, kinh doanh; khoảng 21,6% đổ vào bất động sản và chỉ khoảng 7% là hỗ trợ thân nhân, gia đình trang trải sinh hoạt, mua sắm, chữa bệnh, xây dựng nhà cửa... 

“Như vậy, lượng kiều hối chuyển về với mục đích sử dụng cho việc gửi tiết kiệm hoặc chờ biến động tỉ giá để kiếm lời là rất nhỏ. Chúng tôi cũng đang theo dõi nhưng không quá lo ngại lượng kiều hối chuyển về VN sẽ bị ảnh hưởng nhiều khi lãi suất huy động USD rơi xuống mức 0%/năm” - ông Minh khẳng định. 

Các công ty kiều hối cũng cho biết khoản kiều hối gửi về phổ biến trong năm nay ở mức từ 200 - 2.000 USD/món. Trong đó, những người chưa có nhu cầu chi dùng ngay thường giữ USD lại để xem xét tình hình, riêng những người nhận tiền từ các lao động xuất khẩu đều chọn nhận VND vì có việc cần chi tiêu, trang trải trong gia đình. 

“Nếu tỉ giá ổn định trong khi lãi suất VND cao, người dân sẽ chọn chuyển sang VND để gửi ngân hàng thay vì giữ ngoại tệ” - giám đốc một công ty kiều hối nhận định. 

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng với lãi suất USD như hiện nay, nhiều người sẽ chuyển sang VND thay vì giữ ngoại tệ nếu tỉ giá ổn định. Một kênh khác cũng hấp dẫn nguồn vốn kiều hối là bất động sản, do thời gian qua thị trường này đã ấm lên và đây là kênh thu hút vốn FDI thứ hai sau công nghiệp.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng có cùng quan điểm khi cho rằng việc nới lỏng các điều kiện để Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại VN khiến kênh bất động sản trở nên hấp dẫn. 

Hơn nữa, theo ông Hiếu, chỉ khoảng 10% tiền kiều hối được gửi ngân hàng, còn phần lớn đi vào chi tiêu, đầu tư, kinh doanh. 

“Chưa kể tiền kiều hối gửi tiết kiệm cũng chỉ là kênh trú ẩn ngắn hạn trong lúc chờ thời cơ nên việc giảm lãi suất USD về 0% cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến lượng kiều hối” - ông Hiếu cho biết. 

Cần nhiều chính sách thu hút kiều hối 

Để “bù” lại nguồn bị hụt đi từ các thị trường xuất khẩu lao động, thời gian qua các công ty kiều hối đã tung ra nhiều chương trình khuyến mãi, kỳ vọng thu hút nguồn kiều hối chuyển về. 

Tuy nhiên, ngoài các điều kiện thông thoáng cho Việt kiều chuyển tiền về như không hạn chế số lượng, không đánh thuế với người nhận kiều hối…, các công ty kiều hối cho rằng cơ quan quản lý cần nghiên cứu thêm các chính sách khác để kích thích cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực kiều hối. 

Chuyên đề