Ngân hàng Nhà nước đang kêu gọi các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Lê Tiên |
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dự kiến có khoảng 950 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng có khả năng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, chiếm khoảng 13% dư nợ của các tổ chức tín dụng. Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, NHNN đang kêu gọi các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ với số tiền ước tính ở mức 285 nghìn tỷ đồng.
Để các tổ chức tín dụng có cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN đang xây dựng Dự thảo Thông tư quy định việc thực hiện nội dung trên. Quan điểm của NHNN là tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các tổ chức tín dụng phối hợp cùng với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu các khoản vay, các khó khăn do tác động của dịch bệnh. Đồng thời, thông tư cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn khi thực hiện chính sách hỗ trợ này, bảo đảm đúng đối tượng, khách quan và không bị lợi dụng.
Bình luận về việc ban hành thông tư này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, cần hết sức cân nhắc các quy định bởi hoạt động cho vay là nghiệp vụ của ngân hàng với các tiêu chuẩn định lượng cụ thể, do đó, việc kêu gọi ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp là cần thiết nhưng trở thành quy định mang tính pháp lý là việc cần thận trọng.
“Doanh nghiệp là nguồn sống của ngân hàng. Vì thế, nếu doanh nghiệp có tiềm năng trả nợ, các ngân hàng sẽ cho vay, đặc biệt trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh như hiện nay. Còn trong trường hợp triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp kém, thì việc cho vay gượng ép sẽ có thể để lại gánh nặng lớn hơn cho cả ngân hàng”, ông Đức nói.
Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc lợi dụng chính sách này hoàn toàn có thể xảy ra từ cả ngân hàng và doanh nghiệp. Chẳng hạn, một doanh nghiệp có khoản vay đã đến hạn trả nợ nhưng vin vào lý do dịch bệnh và xin gia hạn trả nợ dù họ không bị ảnh hưởng. Từ phía ngân hàng, ngân hàng cũng có thể dựa vào việc cho phép gia hạn, giữ nhóm nợ để cơ cấu lại nợ qua đó giữ nguyên hoặc giảm nợ xấu và giảm mức trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, có thể ngăn chặn việc lợi dụng chính sách bằng cách yêu cầu các tổ chức tín dụng báo cáo NHNN cụ thể về số lượng, hạn mức, lý do thực hiện gia hạn, chuyển nhóm với từng khoản vay cụ thể, sau đó NHNN thực hiện thanh kiểm tra.
Mặt khác, theo vị chuyện gia này, việc hỗ trợ tín dụng được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh trước mắt, sau một thời gian mọi chuyện sẽ trở lại bình thường và các doanh nghiệp được hỗ trợ sẽ đủ khả năng trả nợ. Song thực tế, không ai dám nói trước được diễn biến dịch bệnh và mức độ tác động, bao nhiêu doanh nghiệp có thể hồi phục được, bao nhiêu doanh nghiệp đã được hỗ trợ vẫn không thể gượng dậy. Khi đó, nợ xấu sẽ càng “xấu” và trở thành gánh nặng với tổ chức tín dụng.
“Phần lớn khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là thị trường hàng hóa, dịch vụ. Nếu gỡ được chuyện thị trường thì tự khắc doanh nghiệp sẽ ổn. Nên đừng trông mong nhiều vào giải pháp hỗ trợ tín dụng, mà nên kỳ vọng vào các giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, cùng với các chính sách về thuế và cải cách thủ tục hành chính”, ông Hiếu nhấn mạnh.