Cần hướng dòng vốn hỗ trợ vào những kênh đầu tư hiệu quả và bền vững để bảo đảm chất lượng tăng trưởng và giảm nguy cơ lạm phát trong dài hạn. Ảnh: Lê Tiên |
280 nghìn tỷ đồng hỗ trợ tín dụng và tài khóa
Tại Chỉ thị cấp bách tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19 vừa được ban hành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng.
Đồng thời, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).
Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan khẩn trương đề xuất chính sách tín dụng phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Trong tháng 3/2020, Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khẩn trương trình Chính phủ về việc miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, trước hết là gói hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2020.
Đừng để tiêu trước, lo sau
Đánh giá về chính sách hỗ trợ trên, PGS. TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng, Chỉ thị đã được ban hành kịp thời, song cần khẩn trương xây dựng các tiêu chí thực thi và tính toán cách thức thực hiện thật hiệu quả, đặc biệt là khâu giám sát để tránh các rủi ro với nền kinh tế.
“Tổng cả 2 gói này là 280 nghìn tỷ đồng, số tiền rất lớn với nền kinh tế hiện nay. Nên nhớ, chúng ta đã từng có gói kích thích kinh tế 18 nghìn tỷ đồng năm 2009. Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện gói kích thích kinh tế năm 2009 cũng đã để lại nhiều bài học và buộc chúng ta phải cẩn trọng trong giai đoạn hiện nay, trong đó, hai rủi ro lớn nhất là trục lợi chính sách và lạm phát”, ông Ngô Trí Long nói.
Về khía cạnh thực thi chính sách, theo ông Long, điều quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”. Việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể gây nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững, từ đó không bảo đảm chất lượng tăng trưởng và rủi ro lạm phát tăng cao sau khi triển khai xong các gói chính sách này.
Về vấn đề lạm phát, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2 tháng vẫn ở mức khá thấp trong khi lực cầu có xu hướng suy yếu nên rủi ro lạm phát hiện tại là không cao. Tuy nhiên, về dài hạn, nếu việc thực thi chính sách hỗ trợ kém hiệu quả, nguồn tiền không đổ vào những lĩnh vực sản xuất tạo giá trị bền vững cho tăng trưởng kinh tế thì lạm phát có thể trở thành mối lo ở giai đoạn sau.
Từ góc độ khác, theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cần cân nhắc mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế bởi hiện nay nhiều doanh nghiệp chưa chắc đã “tiêu được tiền”. “Doanh nghiệp đang gặp khó khăn về cả nguồn cung và cầu. Nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu đang bị hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu không cao. Do đó, hỗ trợ doanh nghiệp bằng các giải pháp cải thiện cung và cầu là điều quan trọng nhất hiện nay. Tiếp đó, cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách”, ông Thành nhấn mạnh.