Giải ngân mắc, ngành giao thông tìm hướng gỡ

(BĐT) - Do vướng mắc trong triển khai các dự án nên dự kiến đến hết thời hạn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019 (ngày 31/1/2020), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ giải ngân được khoảng 26.700 tỷ đồng trong 30.134 tỷ đồng kế hoạch được giao, đạt khoảng 88,6% tổng nguồn vốn kế hoạch được giao trong năm 2019.
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công các dự án ngành giao thông phần lớn nằm ở các dự án sử dụng vốn ODA. Ảnh: Mạnh Thắng
Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công các dự án ngành giao thông phần lớn nằm ở các dự án sử dụng vốn ODA. Ảnh: Mạnh Thắng

Nhiều nguyên nhân gây chậm giải ngân

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 diễn ra ngày 2/1/2020 tại Hà Nội, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, mặc dù năm 2019 Bộ GTVT đã có nhiều nỗ lực xây dựng kế hoạch và theo dõi giải ngân đầu tư công theo kế hoạch, tăng cường rà soát, nhưng kết quả vẫn không như mong muốn, không đạt chỉ tiêu được giao, phải kéo dài giải ngân sang năm 2020 hoặc phải giảm trừ kế hoạch năm. Do vướng mắc trong triển khai dự án, Bộ đã có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm 1.341 tỷ đồng vốn nước ngoài của một số dự án ODA. Nếu không tính số vốn nước ngoài xin điều chỉnh giảm này, tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm của Bộ đạt khoảng 92,7% (26.700 tỷ đồng/28.793 tỷ đồng).

Theo Bộ GTVT, nguyên nhân chính của việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là do các đơn vị chủ đầu tư/ban quản lý dự án (QLDA) dự kiến các mốc tiến độ để lập nhu cầu kế hoạch ở mức khả quan nên đăng ký nhu cầu kế hoạch nhiều khi chưa sát với thực tế triển khai. Trong quá trình điều hành triển khai dự án, một số đơn vị chưa theo dõi, quản lý sát sao tổng mức đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư, thiếu chủ động trong rà soát xác định vốn thực hiện dự án, vốn dư trong quá trình thực hiện dự án, dẫn tới việc lập kế hoạch giải ngân không sát với thực tế. Việc xử lý các thủ tục phát sinh trong quá trình thực hiện dự án không dứt điểm, mất nhiều thời gian cũng gây ảnh hưởng đến kết quả giải ngân. Việc hoàn thiện các thủ tục ghi thu, chi vốn ODA để xác định giá trị giải ngân có lúc còn chậm; công tác phê duyệt kết quả thanh toán cuối cùng, quyết toán dự án để làm cơ sở xác định chính xác chi phí vốn đầu tư thực hiện cũng chậm.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, có một số yếu tố ảnh hưởng không dự báo, tính toán chính xác được như quá trình đấu thầu gặp tình huống buộc phải xử lý dẫn đến kéo dài thời gian đấu thầu, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các bước tiếp theo; công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc kéo dài, khó khăn trong xử lý… 

Giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Trong 1.341 tỷ đồng vốn nước ngoài của một số dự án ODA không có khả năng giải ngân mà Bộ GTVT có văn bản đề nghị điều chỉnh giảm, có 400 tỷ đồng của Dự án tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; 308 tỷ đồng của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông; 150 tỷ đồng của Dự án cải tạo cầu yếu giai đoạn 2; 136 tỷ đồng của Dự án cầu Hưng Hà; 108 tỷ đồng của Dự án Quốc lộ 217 giai đoạn 2; 100 tỷ đồng của Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long…
Bộ GTVT cho biết, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch năm 2020, các tồn tại trong công tác giải ngân kế hoạch sẽ được Bộ rút kinh nghiệm và chỉ đạo xử lý dứt điểm từ những ngày, tháng đầu năm ngay sau khi được giao kế hoạch năm.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch giải ngân sau khi nhận được thông báo chi tiết kế hoạch, trong đó ưu tiên hoàn ứng trước kế hoạch, thanh toán nợ xây dựng cơ bản, chi trả công tác giải phóng mặt bằng, trả các khoản thuế…; đồng thời lập kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng, quý trong năm cho từng dự án để tạo chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành thực hiện giải ngân kế hoạch.

Bộ GTVT cũng yêu cầu chủ đầu tư/ban QLDA chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai thi công, thanh, quyết toán… để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân của các dự án; kịp thời báo cáo Bộ xem xét, giải quyết các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền xử lý.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho biết, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công các dự án ngành giao thông phần lớn nằm ở các dự án sử dụng vốn ODA. Đối với các dự án này, quá trình thực hiện không chỉ tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam mà còn phải theo quy định của các điều ước quốc tế, hiệp định vay vốn nên có nhiều khó khăn phát sinh. Nhiều đại biểu đề nghị Bộ GTVT tạo điều kiện và có giải pháp tháo gỡ kịp thời cho các chủ đầu tư/ban QLDA để đẩy nhanh giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA.    

Chuyên đề