Đừng quá tập trung vào những biến động thất thường của chứng khoán Trung Quốc

TTCK Trung Quốc đã đi riêng một con đường trong năm 2015, vì vậy sự sụt giảm của thị trường này sẽ không có nhiều ảnh hưởng đến TTCK thế giới. Thay vì lo lắng với diễn biến TTCK Trung Quốc, cần quan tâm đến yếu tố kinh tế đặc thù của từng quốc gia.


Nên đánh giá ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đến từng quốc gia cụ thể, thay vì tập trung vào những biến động thất thường của TTCK nước này
Nên đánh giá ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đến từng quốc gia cụ thể, thay vì tập trung vào những biến động thất thường của TTCK nước này

Nguyên nhân giảm sâu

Có thể chia ra làm 3 nhóm nguyên nhân dẫn đến phiên giảm sâu của TTCK Trung Quốc ngày 4/1, khiến thị trường phải tạm ngừng giao dịch. Thứ nhất là nhóm nguyên nhân liên quan đến vĩ mô, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (Caixin PMI - thước đo về hoạt động sản xuất) tháng 12/2015 rớt xuống mức 48,2 so với mức 48,6 của tháng 11.

Một số nguyên nhân khác bao gồm: căng thẳng thanh khoản trên thị trường ngân hàng (lãi suất liên ngân hàng qua đêm tăng lên 2,12%/năm vào ngày 31/12/2015, mức cao nhất kể từ tháng 4/2015), dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc (trên 500 tỷ USD trong năm 2015, theo thống kê của IIF), nguy cơ ngưng các gói kích thích kinh tế.

Thứ hai là nhóm nguyên nhân kỹ thuật. 50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong chỉ số CSI300 đa phần thuộc lĩnh vực ngân hàng, bất động sản và công nghiệp. Nhóm này chiếm tới 42% của mức giảm 7% trong ngày 4/1 và đều rất nhạy cảm với những biến động vĩ mô và chính sách của Chính phủ.

Đừng quá tập trung vào những biến động thất thường của chứng khoán Trung Quốc ảnh 1

Thứ ba là nhóm nguyên nhân thị trường. Giới đầu tư lo ngại làn sóng bán tháo cổ phiếu của cổ đông lớn. Ngày 8/1/2016 là ngày kết thúc thời hạn 6 tháng cấm bán cổ phiếu áp dụng cho cổ đông lớn (sở hữu từ 5% trở lên). Trong nửa đầu năm 2015, khi chưa có lệnh cấm bán cổ phiếu, các cổ đông lớn đã bán trung bình 11,7 tỷ USD/tháng và dự tính sau ngày 8/1, lượng bán ra sẽ là 15,4 tỷ USD/tháng.

Cơ chế ngừng giao dịch của TTCK Trung Quốc được thiết lập từ tháng 9/2015 và ngày 4/1 vừa qua, lần đầu tiên cơ chế này được kích hoạt. Cơ chế này sẽ kích hoạt ở 2 ngưỡng: nếu chỉ số CSI300 biến động quá 5% thì sẽ ngừng giao dịch 15 phút; nếu biến động quá 7% thì thị trường sẽ ngừng giao dịch ngày hôm đó.

Sự kiện ngày 4/1 rất giống ngày 24/8/2015 - chỉ số Shanghai Composite Index giảm 8,5% (giảm tiếp 7,6% ngày sau đó), khi chỉ số Caixin PMI tháng 8/2015 ước tính sẽ rơi xuống 47,1, mức thấp nhất 2 năm.

Ngay lập tức, TTCK thế giới cũng chao đảo: chỉ số MSCI World Index giảm 4,3%, MSCI Europe Index giảm 5,4%, S&P500 giảm 3,9%. Ngoài nguyên nhân TTCK Trung Quốc sụt giảm, không có nguyên nhân nào đáng kể, nên TTCK thế giới đã hồi phục nhanh sau đó. 

TTCK thế giới phản ứng thái quá

Vừa qua, TTCK thế giới chao đảo khi TTCK Trung Quốc sụt giảm, phản ứng này cũng thái quá như lần trước. Bởi lẽ, kinh tế Mỹ và EU đang có sự hồi phục chắc chắn: chỉ số PMI của khu vực đồng tiền chung châu Âu đạt mức cao, lượng đơn đặt hàng mới và xuất khẩu mới đều cải thiện, xóa đi lo ngại kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa của châu Âu.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn đang cho tín hiệu tốt, nhiều dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong tháng 3 tới. Bản thân các thành viên của Fed đưa ra dự báo lãi suất sẽ tăng thêm khoảng 1,2 điểm phần trăm trong năm 2016, với 4 - 6 lần nâng lãi suất.

Đặc biệt, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc giảm khiến giá hàng hóa cơ bản giảm mạnh. Với một số quốc gia đang phát triển dựa vào xuất khẩu hàng hóa thô, đây là tin xấu, nhưng với các nước phát triển và tính chung toàn cầu thì việc giá hàng hóa giảm, giá dầu giảm lại mang ý nghĩa tích cực.

Hơn 1 năm trước, vào tháng 12/2014, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã nhận xét, giá dầu giảm sẽ có tác động tích cực đến kinh tế Mỹ và kết quả năm 2015 đã chứng minh điều đó là đúng.

Đừng quá tập trung vào những biến động thất thường của chứng khoán Trung Quốc ảnh 2

Mặt khác, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhưng Chính phủ Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có động thái can thiệp để hỗ trợ kinh tế, cũng như ngăn chặn nguy cơ sụp đổ của TTCK. Trong năm 2015, NHTW Trung Quốc đã hạ lãi suất tham chiếu từ 5,6%/năm xuống 4,35%/năm, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ 20% xuống 17,5%. Dư địa để Trung Quốc kích thích kinh tế còn nhiều, trong khi tiềm lực của Trung Quốc là rất lớn (dự trữ ngoại hối đang ở mức rất cao, 3.400 tỷ USD, tương đương 24 tháng nhập khẩu).

Thực tế cho thấy, ngày 5/1, NHTW Trung Quốc đã bơm vào hệ thống ngân hàng 19,9 tỷ USD qua kênh thị trường mở (OMO), mức lớn nhất kể từ tháng 9/2015, để hỗ trợ thanh khoản và khôi phục niềm tin vào TTCK. Lãi suất liên ngân hàng đã giảm trở lại, về 2,01%/năm vào cuối ngày 5/1.

Ngày 6/1, cơ quan quản lý TTCK Trung Quốc đã quyết định gia hạn lệnh cấm bán cổ phiếu của cổ đông lớn cho đến khi quy định chính thức (một hình thức gia hạn không thời hạn).

Ngoài ra, một nhóm các tổ chức tài chính lớn của nhà nước Trung Quốc được cho là đã mua vào cổ phiếu ngân hàng và thép trong ngày 5/1, nhằm ổn định thị trường.

Ảnh hưởng từ tăng trưởng chậm của kinh tế Trung Quốc

Chúng tôi cho rằng, TTCK Trung Quốc dù giảm sâu cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến TTCK toàn cầu. Do đó, nên đánh giá ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc đến từng quốc gia cụ thể, thay vì tập trung vào những biến động thất thường của TTCK nước này.

Ảnh hưởng trực tiếp, rõ nhất là các quốc gia phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và phụ thuộc vào hàng hóa thô. Một ví dụ là Brazil. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Brazil, chiếm 18% lượng xuất khẩu (thị trường Mỹ đứng thứ 2, với 12%). GDP của Brazil đã giảm 3 quý liên tiếp, đây là chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1999, nhưng quy mô lớn hơn nhiều. Thâm hụt ngân sách Brazil tháng 11/2015 tăng lên 5 tỷ USD, cao nhất năm 2015. Kinh tế suy thoái đã tạo ra nhiều sóng gió trên chính trường Brazil khi tỷ lệ ủng hộ Tổng thống hiện tại giảm xuống mức thấp kỷ lục, 9%.

Đừng quá tập trung vào những biến động thất thường của chứng khoán Trung Quốc ảnh 3

Cũng ảnh hưởng trực tiếp, nhưng khó nhìn thấy rõ hơn là từ các đối tác nhập khẩu (nhập siêu) từ Trung Quốc. Hiện tượng dư thừa công suất của Trung Quốc, đặc biệt là ngành thép, đang khiến nguồn hàng giá rẻ nước này tràn sang các thị trường khác, nhất là Việt Nam, do chung đường biên giới. Khối lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam liên tục tăng với tốc độ cao, 11 tháng đầu năm 2015 tăng 57% so với cùng kỳ năm 2014.

Theo thống kê của WTE, nhập siêu từ Trung Quốc của Việt Nam năm 2014 là 43,8 tỷ USD (24% GDP), đứng thứ 4 sau Hồng Kông, Mỹ, Hà Lan về giá trị, nhưng đứng đầu về tốc độ tăng nhập siêu (172%) trong giai đoạn 2010 - 2014. Singapore đứng thứ 2 (137%), nhưng giá trị nhập siêu chỉ là 18,1 tỷ USD (5% GDP).

Ảnh hưởng gián tiếp là nhóm các nước phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa thô như quặng, nông sản do giá hàng hóa cơ bản giảm mạnh (như các nước khu vực Nam Mỹ). Ảnh hưởng gián tiếp khác là từ sự mất giá của đồng nhân dân tệ, trong đó có Việt Nam.

Nhìn chung, những nước phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nếu không có thị trường thay thế. Những nước có thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, sẽ có nhiều cơ hội để vừa tận dụng được sự tăng trưởng của các quốc gia này, vừa tận dụng được thời cơ giá hàng hóa rẻ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là một biến số, có tận dụng được cơ hội hay không còn phụ thuộc vào năng lực của từng quốc gia.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư