Đột phá trong quy hoạch để phát triển nhanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đã có, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, phải có những tư tưởng mới, tư duy mới, khác biệt, đột phá trong công tác lập quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng để đưa đất nước phát triển, đạt được mục tiêu đã đề ra. Công tác triển khai lập quy hoạch cũng cần rà soát lại, có vướng mắc thì cần kiến nghị, đề xuất tháo gỡ ngay.
Việc lập quy hoạch cần những ý tưởng đột phá, táo bạo để đưa đất nước phát triển nhanh, rút ngắn thời gian phát triển, theo kịp với thế giới. Ảnh: Lê Tiên
Việc lập quy hoạch cần những ý tưởng đột phá, táo bạo để đưa đất nước phát triển nhanh, rút ngắn thời gian phát triển, theo kịp với thế giới. Ảnh: Lê Tiên

Xây dựng căn cứ lập quy hoạch tổng thể quốc gia

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng vừa chủ trì Cuộc họp về việc tổ chức lập quy hoạch quốc gia, đề cương chi tiết Khung định hướng phát triển tổng thể quốc gia (Khung định hướng) và tổ chức lập các quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết, Khung định hướng sẽ phải trình Hội đồng Quy hoạch quốc gia thông qua để làm căn cứ bước đầu cho việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia. Hiện, có một số mục tiêu đưa ra nhằm xây dựng Khung định hướng. Trong đó, phải cụ thể hóa 5 quan điểm phát triển được đưa ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; tạo không gian phát triển không bị chia cắt, không bị hạn chế bởi địa giới hành chính và tổ chức không gian phát triển quốc gia theo hướng phát huy những lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương, tăng cường liên kết nội vùng, khai thác tốt hơn thế mạnh các vùng, phát triển thành thể thống nhất.

Có quan điểm cho rằng, đến năm 2030, phải tập trung ưu tiên đầu tư hình thành rõ nét một số vùng động lực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước và quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng thiết yếu cho những vùng khó khăn và định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển hài hòa các vùng. Việc tổ chức không gian phát triển quốc gia phải dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, liên kết các vùng hậu cần trên đất liền để mở rộng hành lang, cửa ra vào không gian biển…

Theo PGS.TS Bùi Tất Thắng, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, có 6 điểm cần thống nhất khi xây dựng và thực hiện Khung định hướng. Theo đó, quy hoạch tổng thể quốc gia là một bước cụ thể hóa quan điểm tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tư tưởng tổng quát vẫn là phát triển phát triển nhanh và bền vững; quy hoạch là tổ chức không gian phát triển quốc gia để khai thác hợp lý nhất thế mạnh của từng vùng, địa phương; định vị tọa độ phát triển lớn của quốc gia, định hình đất nước vào cuối thời kỳ quy hoạch, hình dung các mặt lớn, làm cơ sở để triển khai quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành cấp quốc gia; chỉ nêu những vấn đề lớn, tầm quốc gia, vùng lớn, ở mức độ Quốc hội quyết định, còn các vấn đề thấp hơn đã có các quy hoạch ngành cấp vùng; quán triệt yêu cầu mới của Luật Quy hoạch là tổng thể và tích hợp; quy hoạch được duyệt sẽ là văn bản có tính pháp lý để triển khai ngay.

Chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh đặc biệt quan tâm đến vấn đề điều phối và phối hợp trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng. Theo đó, các ngành, địa phương, vùng phải thống nhất quan điểm, cùng hướng về cái chung khi xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia. Nếu điều phối, phối hợp không thành công thì quy hoạch tổng thể quốc gia rất dễ trở thành những mảnh ghép.

Cần ý tưởng phát triển mới có tính đột phá

Cho ý kiến tại Cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thống nhất cách thức triển khai là cần phải rà soát lại toàn bộ việc lập các quy hoạch, triển khai tới đâu, vướng mắc là gì, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp để tháo gỡ. Những vướng mắc nào cần xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, vướng mắc nào xuất phát từ các văn bản pháp lý thì cần sửa đổi ngay.

Theo Bộ trưởng, chiến lược vạch ra một con đường, dẫn dắn và định hướng đất nước sẽ đi về đâu, theo hướng nào, bằng cách nào, bao giờ đến; quy hoạch là việc tổ chức không gian như thế nào, tận dụng các tiềm năng, lợi thế ra sao để thực hiện được chiến lược đó. Việc tổ chức không gian trong quy hoạch cũng cần tính đến nguồn lực ở đâu, thời gian và cách thức thực hiện.

Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia không được chi tiết quá, nhưng cũng không được không có gì. Định hình về không gian phát triển trong quy hoạch phải theo hướng không bị bó buộc và trong quá trình thực tiễn, phát sinh nhiều vấn đề thì có thể linh hoạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hiện, các bộ, ngành, địa phương thực hiện song song các quy hoạch cùng với quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT yêu cầu, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng Thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ KH&ĐT cần phải tham gia và tham gia sâu, chặt chẽ ngay từ đầu đối với quá trình lập các quy hoạch ngành, quy hoạch các địa phương.

Ngoài ra, Khung định hướng cần đưa ra những tư tưởng và ý tưởng phát triển mới có tính đột phá dựa trên việc kết hợp giữa phát huy những thế mạnh sẵn có của đất nước, đồng thời cũng phải tạo ra cái mình muốn, tạo cung để hình thành cầu. Việc lập các quy hoạch cũng cần có sự tham gia của tư vấn nước ngoài uy tín, “đứng trên vai của những người khổng lồ” để có được những ý tưởng đột phá, táo bạo đưa đất nước phát triển nhanh, rút ngắn thời gian phát triển, theo kịp với thế giới, Bộ trưởng nêu quan điểm.

Chuyên đề