Hầu hết công ty nông, lâm nghiệp đều rơi vào tình trạng thua lỗ lớn. Ảnh: Lê Tiên |
Vốn chủ sở hữu bị ăn mòn
Thông tin về tình hình công nợ của các công ty nông, lâm nghiệp tại Hội nghị Sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp năm 2014 - 2015, nhiệm vụ, giải pháp đến năm 2020, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho hay, nhiều DN trong ngành đang gặp khó khăn về tài chính do sản xuất cầm chừng, thậm chí nhiều công ty trong số này đã dừng hoạt động...
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tính đến cuối năm 2015, tổng số lỗ lũy kế của các công ty nông, lâm nghiệp là 1.071 tỷ đồng, chiếm 4% vốn chủ sở hữu, số lỗ lũy kế tập trung phần lớn tại các công ty nông nghiệp. Nhiều công ty lỗ lũy kế trên 20 tỷ đồng như: Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Châm (52 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Tul (40 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cà phê Chư Quynh (33 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang (39 tỷ đồng), Tổng công ty 15 - Bộ Quốc phòng lỗ lũy kế lên tới 334 tỷ đồng…
Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2016, 96 công ty nông, lâm nghiệp có phát sinh vay vốn tại các tổ chức tín dụng với dư nợ gần 6.455 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm trên 66%. Nợ xấu của các đơn vị này là trên 38 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,6% tổng dư nợ cho vay.
Dư nợ cho vay các công ty nông nghiệp là trên 5.417 tỷ đồng, chiếm gần 84% tổng dư nợ cho vay các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 63% tổng dư nợ. Nợ xấu của các công ty nông nghiệp này là khoảng 38 tỷ đồng, chiếm 99,7% tổng nợ xấu của các công ty nông, lâm nghiệp. Dư nợ cho vay các công ty lâm nghiệp là gần 1.038 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ cho vay các công ty nông, lâm nghiệp, trong đó dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 83%, nợ xấu khoảng 63 triệu đồng, chiếm 0,3% tổng nợ xấu.
Các tổ chức tín dụng đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro và hạch toán ngoại bảng đối với khoản dư nợ gần 340 tỷ đồng của 23 công ty nông, lâm nghiệp. Tuy nhiên, việc thu nợ của các công ty này gặp nhiều khó khăn và hầu như không thu được với lý do các công ty chỉ hoạt động cầm chừng, tình hình tài chính mất cân đối và không có nguồn trả nợ ngân hàng.
Khẩn trương giải quyết khó khăn
Tính đến ngày 30/6/2016, Bộ NN&PTNT mới thẩm định mô hình sắp xếp, đổi mới của 251 công ty (117 công ty nông nghiệp, 134 công ty lâm nghiệp); Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mô hình sắp xếp, đổi mới 243 công ty (114 công ty nông nghiệp, 129 công ty lâm nghiệp). Đến nay, vẫn còn 14 công ty nông, lâm nghiệp chưa xây dựng phương án hoặc phải xây dựng phương án bổ sung chưa được Thủ tướng phê duyệt.
Tổng diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp hiện đang quản lý, sử dụng trước khi sắp xếp lại theo quy định là 2,383 triệu ha. Dự kiến, sau khi sắp xếp lại đất đai các công ty giữ lại quản lý, sử dụng là 1,938 triệu ha, giao về địa phương 452.055 ha.
Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết khó khăn cho các DN trong ngành. Trường hợp cần có cơ chế đặc thù để gỡ vướng, các đơn vị kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết.
Cũng tại Hội nghị này, thể hiện quyết tâm phải hoàn thành mục tiêu đổi mới, sắp xếp lại số công ty này vào quý II/2017, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đã kiến nghị Chính phủ 3 nội dung cần được gỡ vướng là: Xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 118/2014/NĐ-CP; bổ sung quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP về trường hợp viên chức quản lý doanh nghiệp dôi dư do sắp xếp lại các công ty nông, lâm nghiệp nhưng vẫn giữ lại loại hình công ty TNHH MTV Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện tinh giản biên chế đối với công chức; giải quyết kịp thời kinh phí đo đạc đất các công ty lâm nghiệp…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng xong Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng; thu hút và khuyến khích đầu tư; đặt hàng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp”. Dự kiến, trong tháng 7 này, Dự thảo sẽ được trình Thủ tướng xem xét quyết định.