Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn được giao tái thiết hạ tầng và nhà cửa ở Làng Nủ và thôn Nậm Tông của tỉnh Lào Cai sau bão Yagi |
Là thủ lĩnh của một nhà thầu lớn, ông đánh giá thế nào về cơ hội cho các nhà thầu xây dựng Việt Nam trong bối cảnh Nhà nước đang dồn tối đa nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông?
Cùng với việc Nhà nước định hướng đầu tư hoàn chỉnh hệ thống đường bộ cao tốc, triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà thầu trong nước thời gian qua đã từng bước lớn lên và trưởng thành trên nhiều phương diện: quy mô, năng lực điều hành, quản lý và làm chủ công nghệ thi công. Thời gian tới, việc đầu tư hàng loạt công trình đường sắt lớn như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Hạ Long - Móng Cái, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam… sẽ mở ra cơ hội lớn về việc làm cho hệ sinh thái các nhà thầu Việt Nam, không chỉ riêng nhà thầu xây dựng, để phát triển về quy mô, nâng cao năng lực và sớm trưởng thành trên nhiều phương diện.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Ngọc |
Nhà thầu trong nước sẽ phải đối mặt với khó khăn và thách thức gì khi các dự án trọng điểm quốc gia về hàng không, đường bộ và đường sắt tốc độ cao được triển khai đồng loạt?
5 năm qua, từ thực tiễn triển khai các đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, năng lực nhà thầu trong nước đã lớn mạnh rất nhiều, đã làm chủ toàn bộ công nghệ thi công đường cao tốc. Đối với lĩnh vực hàng không, nhà thầu Việt cũng đã vươn lên làm chủ công nghệ thi công và vận hành nhà ga, 100% hạng mục đường lăn, đường băng, sân đỗ, kết cấu hạ tầng, chỉ nhập các thiết bị đặc chủng, đặc thù của nước ngoài. Nhưng đối với đường sắt tốc độ cao, đây là lĩnh vực mới mẻ hoàn toàn với nhà thầu trong nước, chưa có nhà thầu có kinh nghiệm thi công, chưa có đội ngũ nhân sự thực hiện quản lý và vận hành đoàn tàu cao tốc. Nhìn tổng thể, chúng ta thiếu cả kinh nghiệm, thiếu thiết bị thi công và thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng việc xây dựng và vận hành đoàn tàu cao tốc.
Đặc thù của đường sắt tốc độ cao là phải đảm bảo an toàn và chính xác tuyệt đối. Đây là yêu cầu hàng đầu khi thi công và vận hành đại dự án này. Chính vì thế, công tác tổ chức điều hành đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản để có thể làm chủ được công nghệ vận hành đường sắt tốc độ cao tân tiến nhất hiện nay. Đây là điểm yếu nhất của nhà thầu Việt trong thời điểm hiện tại, nhưng nếu có chiến lược bài bản để học hỏi, nắm bắt thì trong tương lai không xa, chúng ta sẽ làm chủ được như đã làm chủ công nghệ khó trong thi công đường băng, hoặc các tuyến cao tốc xuyên núi rừng. Mặt khác, dự án đường sắt tốc độ cao đi qua hàng chục tỉnh, thành trải dọc dài đất nước, xuyên qua các đô thị lớn nên công tác giải phóng mặt bằng vẫn là thách thức lớn. Ngoài bố trí đủ nguồn vốn, phải có đủ mặt bằng sạch thì nhà thầu mới đảm bảo được tiến độ triển khai theo yêu cầu.
Theo ông, nhà thầu Việt phải làm gì để nắm bắt cơ hội trong Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam?
Nói là khó khăn nhưng tôi cho rằng, nhà thầu Việt hoàn toàn có thể vươn lên, vượt qua thách thức để nắm bắt được tối đa các cơ hội việc làm từ siêu dự án đường sắt tốc độ cao. Trước mắt, khi chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, nhà thầu Việt phải tăng cường học hỏi, liên danh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhiều kinh nghiệm thi công đường sắt tốc độ cao như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… để nâng tầm năng lực, nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới, tạo ra sức mạnh tổng hợp, đủ sức đảm nhận các phần công việc chính yếu của Dự án. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp trong nước cần sớm “nhập cuộc” để chuẩn bị nguồn nhân lực cho việc triển khai dự án đường sắt cao tốc.
Hiện nay, Binh đoàn 12 đã cử 300 kỹ sư giao thông đi học văn bằng 2 về kỹ thuật, công nghệ đường sắt. Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã ký thỏa thuận hợp tác toàn diện với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ký hợp tác trao đổi kinh nghiệm và đào tạo nguồn nhân lực với Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc - doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thi công các công trình đường sắt cao tốc ở Trung Quốc và trên thế giới. Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cũng đã khảo sát thực tế tại Trung Quốc để tiếp cận thiết bị thi công và công nghệ triển khai các dự án đường sắt tốc độ cao.
Tôi tin rằng, với năng lực, khả năng nắm bắt, học hỏi và trí thông minh của người Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể vươn lên đủ sức, đủ tầm tham gia xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao cũng như tiếp nhận và làm chủ công nghệ vận hành đường sắt khi công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Việc tham gia đồng thời nhiều dự án, trong đó có đường bộ cao tốc, sân bay, sắp tới có thể là đường sắt cao tốc có “quá tải” với một doanh nghiệp quốc phòng không, thưa ông?
Là đơn vị sự nghiệp quốc phòng, vừa làm kinh tế, vừa đảm bảo an ninh - an toàn quốc gia, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường. Trong chiến tranh, những người lính Trường Sơn của Binh đoàn đã làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại. Thời gian qua, khi tham gia những công trình giao thông trọng điểm quốc gia, phát huy tinh thần và bản lĩnh của người lính, Tổng công ty Trường Sơn đã khẳng định được thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp nhà binh trong bối cảnh mới.
Cơn bão Yagi đi qua đã tàn phá và cướp đi mạng sống của bao người dân, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn được cấp trên tin tưởng giao tái thiết hạ tầng và nhà cửa ở Làng Nủ và thôn Nậm Tông của tỉnh Lào Cai. Sau 2 tháng triển khai xây dựng, các dự án tái định cư đều đang đảm bảo tiến độ và sẽ sớm hoàn thành, những ngôi nhà sàn kiên cố sẽ giúp người dân nơi đây an cư, ổn định đời sống sau bão. Với tố chất, bản lĩnh và năng lực của một thương hiệu mạnh đã được thời gian và xã hội công nhận qua nhiều công trình lớn, việc đảm nhận cùng lúc nhiều dự án giao thông quan trọng không còn là khó khăn và thách thức với đội ngũ cán bộ Xây dựng Trường Sơn. Chúng tôi sẽ nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự tin tưởng của các chủ đầu tư, kỳ vọng của xã hội, nhân dân, phát huy trí tuệ và khẳng định bản lĩnh của người lính cụ Hồ trong thời kỳ mới.