Ảnh Internet |
Theo Báo cáo của JETRO, trong tổng cộng 5 hạng mục hàng đầu chung của toàn khu vực về “rủi ro trong môi trường đầu tư” của toàn khu vực thì Việt Nam đã tăng điểm ở 4 hạng mục so với năm ngoái, điều này cho thấy môi trường đầu tư đang có xu hướng xấu đi. Trên 60% số DN chỉ ra vấn đề rủi ro về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành thiếu minh bạch khiến Việt Nam rơi vào vị trí thứ 3 về độ rủi ro trong 15 quốc gia.
Cụ thể, trên 63% ý kiến DN cho rằng hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành chưa minh bạch (tăng 3% so với báo cáo điều tra năm 2014), 61,1% đánh giá thủ tục hành chính vẫn còn phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp (tăng 8,4%), 53,9% doanh nghiệp cho rằng chế độ, thủ tục thuế quan vẫn còn phiền hà (tăng 2,3%) và 48,3% ý kiến cho rằng kết cấu hạ tầng như điện, vận tải, giao thông liên lạc của Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện (tăng tới 6,1%).
"Như vậy, các DN Nhật Bản đánh giá môi trường đầu tư Việt Nam đang xấu đi, hầu như chưa có cải thiện nào cả. Dù chúng tôi biết Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư song trên thực tế, các DN Nhật Bản chưa cảm nhận được điều này", ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện văn phòng JETRO Hà Nội phát biểu. Theo lý giải của ông Kawada Atsusuke, vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay vẫn là việc giải thích luật giữa các bộ ngành, địa phương và cán bộ phụ trách không giống nhau nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác nữa liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư và sản xuất của các DN Nhật Bản tại Việt Nam chính là ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 32,1%, giảm 1,1% so với năm trước và thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc (65%), Thái Lan (56%), Indonesia (41%) và Malaysia (36%) và chỉ cao hơn so với Philippine (26,2%)”.
Cũng theo vị Trưởng đại diện JETRO, xét cụ thể hơn về tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam sẽ thấy, tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp nội địa là 41,2%, giảm 2,3% so với năm trước. Nếu so với các quốc gia khác, tỷ lệ cung ứng từ các doanh nghiệp nước ngoài khác không phải là Việt Nam hay Nhật Bản vẫn còn cao. “Để nâng cao năng lực cạnh tranh về chi phí, Việt Nam cần tăng cường thu mua từ các doanh nghiệp trong nước và quá trình này cần được thúc đẩy nhanh hơn, đặc biệt cần có chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ và hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia lĩnh vực này”, ông Kawada Atsusuke khuyến nghị.
Mặc dù có nhiều quan ngại song Báo cáo năm nay vẫn cho thấy nhiều triển vọng tích cực của các DN Nhật Bản khi đặt nhiều kỳ vọng vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Theo Báo cáo, kỳ vọng đối với TPP về thuận lợi hóa trong thương mại và thuế quan chiếm tỷ lệ lớn nhất (66%), tiếp đó là kỳ vọng vào tiếp cận thị trường hàng hóa và quy tắc nguồn gốc xuất xứ cũng khá cao.
Bên cạnh đó, một tỷ lệ lớn (64%) các DN Nhật Bản cũng kỳ vọng vào việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN ra đời, phần lớn các DN cũng kỳ vọng vào việc dỡ bỏ thuế nhập khẩu, chính sách thuế và thống nhất trong việc vận dụng, giải thích quy tắc nguồn gốc xuất xứ. Các DN cũng đánh giá tích cực về yếu tố chi phí nhân công, tình hình chính trị, xã hội ổn định của Việt Nam cũng như quy mô thị trường và khả năng tăng trưởng của nền kinh tế. Với những đánh giá tích cực này, Báo cáo 2015 cho thấy có tới 60% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam vẫn có kế hoạch mở rộng kinh doanh và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng.