Doanh nghiệp nhà nước hết đặc quyền, đặc lợi

(BĐT) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã khiến doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải cạnh tranh bình đẳng như các DN thuộc các thành phần khác và Nhà nước sẽ không hỗ trợ các DNNN như trước đây. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, cam kết này phù hợp với chủ trương cải cách thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Chính phủ và người dân Việt Nam rất mong muốn tiến hành các cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Ảnh: Tiên Giang
Chính phủ và người dân Việt Nam rất mong muốn tiến hành các cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Ảnh: Tiên Giang

Sở dĩ Việt Nam đồng ý đàm phán vấn đề DNNN trong EVFTA, theo lý giải của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, là vì bản thân Chính phủ và người dân Việt Nam rất mong muốn tiến hành các cải cách để nâng cao hiệu quả hoạt động của các DNNN. Theo đó, các DNNN buộc phải hoạt động theo cơ chế thị trường, và điều này sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng giữa DNNN và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tại Việt Nam, gồm cả DN tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, DNNN cần phải minh bạch hóa hoạt động đối với xã hội, để thấy nguồn vốn của người dân, nguồn vốn của xã hội đã được sử dụng, triển khai như thế nào, với kết quả ra sao, hiệu quả như thế nào.

“Trong cả 2 hiệp định thương mại tự do mới nhất (TPP và EVFTA), đối với phần DNNN, có những cam kết rất quan trọng là Nhà nước sẽ không hỗ trợ các DNNN một cách quá mức, bất kể thời gian dài hay ngắn, không hỗ trợ, bất kể hiệu quả công việc hỗ trợ đó có đạt được hay không. Nhà nước chỉ hỗ trợ cho DNNN trong những trường hợp nhất định, phục vụ cho những mục tiêu nhất định” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Với những quy định như vậy thì Việt Nam hy vọng rằng, trong tương lai, nguồn lực của xã hội, đặc biệt là nguồn lực của Nhà nước sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn.

Ở một góc nhìn khác, ông Trương Đình Tuyển, Cố vấn Đoàn đàm phán EVFTA cho rằng, nếu nhìn xa hơn, những cam kết về DNNN sẽ thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam. Hiện nhiều bộ, ngành đang dựa vào các cam kết của TPP và EVFTA để sửa đổi các quy định pháp luật cho phù hợp. “Đây là yếu tố quan trọng nhất để cải cách thể chế”- ông Tuyển nhấn mạnh và thông tin thêm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có một buổi họp với các bộ, ngành bàn về cải thiện môi trường kinh doanh. Quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ là biến ý chí của Thủ tướng thành hành động cụ thể ở từng khâu trong việc cung cấp dịch vụ công như: thuế, hải quan, cấp phép đầu tư, xây dựng…

Bày tỏ quan điểm nhìn nhận về DNNN Việt Nam dưới góc nhìn của các DN châu Âu, ông Remco Gaanderse, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) chia sẻ, mặc dù vai trò của DNNN là rất quan trọng tại Việt Nam, tuy nhiên trong quá khứ, các DN châu Âu có rất ít kinh nghiệm và hiểu biết về các DNNN của Việt Nam. Khi EVFTA có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài song hành trong sân chơi bình đẳng với sự đảm bảo bằng khung khổ pháp lý của từng quốc gia thành viên, cam kết của Chính phủ. Song, đối với các DN châu Âu, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam cần có sự quan tâm thường xuyên, liên tục đối với việc đảm bảo sân chơi bình đẳng này.

Chuyên đề