Sớm tháo gỡ vướng mắc thủ tục thuế - hải quan để tạo động lực tăng trưởng mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Việc thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế - hải quan trong năm 2024 được cộng đồng doanh nghiệp (DN) đánh giá có nhiều bước cải tiến đáng kể, tạo thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, nhiều DN phản ánh, thực tế hiện nay tiếp tục phát sinh những vướng mắc mới cần sớm tháo gỡ, hướng dẫn kịp thời để khơi thông nguồn lực, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Sớm tháo gỡ vướng mắc thủ tục thuế - hải quan để tạo động lực tăng trưởng mới

Phát sinh nhiều vướng mắc mới

Phản ánh tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan năm 2024 do Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, ông Ngô Mạnh Hùng - đại diện Công ty TNHH Bông Thái Bình cho biết, bông rơi nhập khẩu là nguyên liệu chính để sản xuất sợi OE. Tuy nhiên, gần 1 năm qua, nhiều DN bông sợi trên địa bàn tỉnh Thái Bình không thể nhập khẩu nguyên liệu này, một số phải sản xuất cầm chừng, đóng cửa, trả tiền lưu kho hàng tỷ đồng..., vì mặt hàng này bị đưa vào nhóm phế liệu bông và Hải quan Hải Phòng không cho phép thông quan.

“Vướng mắc này đã được các DN sợi OE tại Thái Bình kiến nghị nhiều lần, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết, thậm chí kiến nghị cả lên Thủ tướng Chính phủ. Việc tắc thủ tục nhập khẩu bông rơi làm ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại cho các DN bông sợi tại Thái Bình. Nhiều DN phải trả tiền lưu kho bãi trong gần 1 năm nay với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Không có nguyên liệu để sản xuất nên một số DN phải sản xuất cầm chừng, hoặc buộc phải đóng cửa như Công ty TNHH Toàn Thắng, Công ty TNHH Logitex… Do đó, đề nghị Bộ Tài chính sớm có hướng giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo thực hiện thống nhất và công bằng giữa DN các địa phương khác nhau”, đại diện Công ty TNHH Bông Thái Bình khuyến nghị.

Là đơn vị mua bán Chứng chỉ Năng lượng tái tạo quốc tế (I-REC), nhưng đại diện Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc cũng băn khoăn về xác định hoạt động này là hoạt động cung cấp dịch vụ, hay hoạt động mua bán hàng hoá, hay là hoạt động khác? Do chưa xác định được Chứng chỉ IREC thuộc loại hàng hoá gì nên DN khó tính toán chính xác được thuế nhà thầu.

Tương tự, không ít DN còn băn khoăn về việc xác định thời điểm lập hoá đơn thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, đại diện một số DN như Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát… lo ngại nguy cơ xuất hóa đơn sai thời điểm sẽ bị xử phạt. Nếu theo quy định của Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm xuất hóa đơn là thời điểm hàng hóa qua khu vực giám sát hải quan - “làm xong thủ tục cho hàng hóa xuất khẩu”, thì nhiều DN không kịp xuất hóa đơn vì không biết lúc nào hệ thống mạng của cơ quan hải quan xử lý xong, chưa kể hệ thống có thể bị lỗi…

Đẩy mạnh hoàn thiện chính sách kịp thời

Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN ghi nhận Bộ Tài chính đã có nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế, góp phần hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất - kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực chung về phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo, mức tăng trưởng kinh tế cả năm có thể vượt mốc mục tiêu 7%, tăng trưởng GDP ước cả năm đạt 6,8 - 7%, cao hơn mục tiêu Quốc hội giao.

Theo ông Phạm Tấn Công, lĩnh vực thuế và hải quan luôn là những lĩnh vực “nóng”, nhận được nhiều quan tâm của cộng đồng DN. Tại Hội nghị đối thoại DN năm 2023, Bộ Tài chính đã tiếp nhận và xử lý 88 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực thuế và 37 vướng mắc liên quan đến lĩnh vực hải quan. Từ đó tới nay, VCCI đã tập hợp và phối hợp với Bộ Tài chính giải quyết hơn 450 ý kiến, kiến nghị của DN, trong đó có cả những vướng mắc mang tính cá biệt và vướng mắc phát sinh trong các văn bản luật.

Trong năm tới, theo ông Công, nhiều luật quan trọng sẽ có hiệu lực thi hành, với tư duy bứt phá, tháo gỡ khó khăn và khơi thông điểm nghẽn của nền kinh tế, các nguồn lực ách tắc sẽ được giải tỏa và tạo đà tăng trưởng cho năm 2025. Theo đó, tăng trưởng của năm 2025 được kỳ vọng đạt mức 8%, thậm chí có thể đạt 2 con số. Mặc dù vậy, nhiều dự báo vẫn cho thấy còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới quá trình hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn giữa DN với các cơ quan thuế, hải quan.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp.

Trước mắt sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời triển khai thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) ngày 26/11/2024 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (bao gồm Luật Quản lý thuế và Luật Thuế thu nhập cá nhân) ngày 29/11/2024 vừa được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước; đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển bền vững của nền kinh tế.

Liên quan đến vướng mắc phát sinh trong nhập khẩu bông rơi, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, DN cần phân biệt rõ 2 loại bông rơi, gồm: chải thô và chải kỹ. Hiện bông rơi chải kỹ không vướng, mà chủ yếu là ở bông rơi chải thô và không chỉ đối với DN ở Thái Bình mà là vướng mắc lớn trên toàn quốc. Qua giám định, bông rơi chải thô có tỷ lệ tạp chất cao, lên tới 40%, nên ranh giới giữa phế liệu và không phải phế liệu rất hẹp. Để tháo gỡ vướng mắc cho DN, theo đại diện Tổng cục Hải quan, trong tháng 11/2024, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng về phương án xử lý trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan như: Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp. Khi có chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể cho DN.

Về việc sử dụng Chứng chỉ IREC để đo lường về phát triển bền vững và môi trường của DN, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, đơn vị đã nhận được công văn hỏi của Cục Thuế tỉnh Vĩnh Phúc. “Đây là nội dung rất mới và đang có nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư… xem xét biên mức thuế suất cụ thể”, đại diện Tổng cục Thuế nói.

Về việc xác định thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng trong xuất khẩu, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 123 theo hướng thời điểm lập hóa đơn là do người bán tự xác định, nhưng không quá ngày làm việc tiếp theo kể từ ngày hàng hóa được thông quan và chuyển dữ liệu hoá đơn điện tử đến cơ quan thuế.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề