DN chật vật, nguồn lực nào cho chuyển đổi số?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi số được đánh giá là cơ hội cho Việt Nam, cho doanh nghiệp (DN) phát triển bứt phá sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đa phần là quy mô nhỏ, siêu nhỏ, đang chật vật tồn tại, thì việc huy động nguồn lực để chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội là không hề đơn giản.
Chuyển đổi số là thách thức nhưng là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Toàn
Chuyển đổi số là thách thức nhưng là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp. Ảnh: Lê Toàn

Xu thế tất yếu, chi phí không nhỏ

Các chuyên gia nhấn mạnh, chuyển đổi số là thách thức nhưng là hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hà Thanh, Giám đốc Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global - Vietnam), nhận định, ngoài yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế, huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả, các chuyển hóa quan trọng trước mắt là định hình lại chiến lược kinh doanh theo hướng tích hợp khoa học công nghệ, ưu tiên các giải pháp đổi mới sáng tạo, ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 để nâng cao năng suất và thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn. “Một nền kinh tế tăng trưởng năng động nhất nhì khu vực, cùng chính sách thúc đẩy khởi nghiệp mạnh mẽ, thích ứng linh hoạt với công nghệ cao chính là môi trường lý tưởng để Việt Nam bứt phá trong thời khắc lịch sử quan trọng này”, bà Thanh nhận định.

Còn theo TS. Nguyễn Hữu Lệ - Chủ tịch HĐQT Công ty TMA Solutions, nếu mạnh dạn áp dụng công nghệ mới, nhanh chóng giải quyết rào cản, Việt Nam sẽ tận dụng được nhiều lợi thế của cách mạng công nghiệp 4.0, nhanh chóng hiện đại hóa các ngành và thúc đẩy nền kinh tế số. Điều này không chỉ giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 mà còn tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh mới, trở thành trung tâm sáng tạo công nghệ ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chi phí cho chuyển đổi số là rất lớn. Nếu chỉ chuyển đổi số tại một số khâu như quản lý, tài chính hay quy trình sản xuất thì số vốn bỏ ra không nhiều, có thể chỉ vài chục nghìn USD. Nhưng nếu toàn bộ vận hành của một DN được chuyển đổi số với rất nhiều lĩnh vực hoạt động trước kia làm bằng tay, thì chi phí có thể lên đến hàng triệu USD. Ông Hiếu cho rằng, với những DN đang vật lộn với những tác động của đại dịch, nguồn vốn tự có và vốn vay không đủ để trang trải chi phí, thì việc đầu tư vào quá trình chuyển đổi số là không thể. Chính vì thế, nếu không có một giải pháp tài chính để hỗ trợ thì quá trình chuyển đổi số của DN nhỏ và vừa sẽ bị lùi lại.

Đề xuất tháo gỡ

Để cung cấp nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện quá trình chuyển đổi số cho DN, ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất thành lập một “tổ hợp tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thành lập. Tất cả các ngân hàng đều phải tham gia tổ hợp với tỷ lệ tương đương 3 - 3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng.

Để cung cấp nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện quá trình chuyển đổi số cho DN, ông Nguyễn Trí Hiếu đề xuất thành lập một “tổ hợp tín dụng” do Ngân hàng Nhà nước thành lập. Tất cả các ngân hàng đều phải tham gia tổ hợp với tỷ lệ tương đương 3 - 3,5%/tổng dư nợ của mỗi ngân hàng.

Theo tính toán của ông Hiếu, với tỷ lệ trên, hệ thống ngân hàng sẽ có một tổ hợp tín dụng khoảng 300.000 tỷ đồng, các ngân hàng lớn sẽ có tỷ trọng tham gia tổ hợp lớn hơn so với các ngân hàng nhỏ. Tỷ trọng tham gia sẽ được xác định khi tổ hợp được thành lập. NHNN làm đầu mối thiết lập tổ hợp nhưng phải có một ngân hàng thương mại đứng ra quản lý tổ hợp. Tổ hợp cũng phải có một hội đồng tín dụng duyệt xét hồ sơ vay của các DN. Khi hội đồng tín dụng chấp thuận cấp tín dụng, các ngân hàng sẽ cam kết giải ngân theo tỷ lệ tham gia vào tổ hợp tín dụng. Đây sẽ là chính sách của Chính phủ và các ngân hàng hoạt động tại Việt Nam phải tham gia.

Về nguồn tiền, theo ông Hiếu, các ngân hàng hiện có thanh khoản rất tốt và trong nguồn vốn huy động có nguồn huy động lõi với lãi suất rất thấp là CASA (tiền gửi không kỳ hạn), từ đó có thể cho vay với lãi suất rất thấp khoảng 3 - 5%/năm.

Đồng thời, ông Hiếu cũng khuyến nghị thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia, có vốn điều lệ lớn đủ để bảo lãnh cho tất cả các ngân hàng tham gia tổ hợp tín dụng. NHNN phải cùng các ngân hàng xây dựng bộ tiêu chí phù hợp để thẩm định khả năng trả nợ của DN vay vốn, giúp các DN đủ sức tồn tại, phục hồi sau dịch bệnh và có thể đóng góp cho đất nước sau dịch bệnh. Những DN “chết lâm sàng”, hoặc có vốn chủ sở hữu âm hay trong tình trạng phá sản không được vay, vì những DN này đã quá kiệt quệ, dù có bơm bao nhiêu tiền chăng nữa cũng không thể cứu.

Ông Nguyễn Hữu Lệ khuyến nghị, để thúc đẩy phát triển kinh tế tại các nước, trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nhà nước luôn là khách hàng lớn của nền kinh tế. Trong lĩnh vực công nghệ, Việt Nam cần tăng ngân sách để đẩy nhanh quá trình xây dựng chính phủ điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ quan, các bộ, ngành, triển khai 5G, khuyến khích họp trực tuyến… Qua đó, Chính phủ vừa tiên phong trong ứng dụng công nghệ, vừa thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển.

Chuyên đề