Chuyển đổi số - Thay đổi để thích ứng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc và cuộc sống sẽ trở lại bình thường? Câu trả lời chắc chắn là Covid-19 đi qua và cuộc sống của chúng ta sẽ có nhiều thay đổi. Để thích ứng, các doanh nghiệp (DN) cần đổi mới phương thức kinh doanh, đổi mới chiến lược, tạo lập hướng đi mới tận dụng các tiện ích của công nghệ 4.0.
Chuyển đổi số - Thay đổi để thích ứng

Báo Đấu thầu trân trọng chia sẻ với quý độc giả các gợi ý của chuyên gia, doanh nghiệp về vấn đề chuyển đổi số và cách làm, lối tư duy và chiến lược hành động.

“Bắt đầu từ việc làm quen với các hoạt động trên nền tảng số”

Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Giám đốc chiến lược VNPT

Thách thức lớn nhất mà các DN gặp phải khi thực hiện chuyển đổi số là thay đổi tư duy của người đứng đầu, phải vượt qua những nỗi sợ đầu tiên. Sau đó, là hiểu định hướng phát triển DN trong 5 - 10 năm tới để vạch ra lộ trình chiến lược chuyển đổi số. Cũng cần nhận thức rằng, chuyển đổi số không chỉ dành cho DN lớn, mà còn là lợi thế, cơ hội của khối DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Do đó, các DN không thể đốt cháy giai đoạn, ngay từ đầu nhiều người đã đòi tập trung tài chính vào công đoạn cuối là mua phần mềm quản trị doanh nghiệp (ERP), xây dựng apps, platform, và các “đồ chơi” công nghệ cao cấp, khi DN còn chưa có dữ liệu số hóa và dữ liệu này chưa được kết nối liên thông. DN nên bắt đầu từ việc tiếp cận và làm quen với các hoạt động trên nền tảng số như thực hiện các hợp đồng số, khai báo hải quan điện tử, nộp thuế điện tử... Từ đó tiến tới chuyển đổi số mọi hoạt động của DN. Ngoài ra, các DN cũng nên tiếp cận dần với các phần mềm, ứng dụng số mới để có thể dễ dàng số hóa hoạt động của mình.

Với một số thị trường có công nghệ số đi trước Việt Nam từ 10 - 15 năm như châu Âu… thì khi làm ăn với họ, các DN cũng cần tiệm cận với năng lực số của họ để có thể hợp tác, giao dịch tốt hơn. Phải biết tạo ra những giá trị khác biệt mới mang tính chiến lược trong cơ hội chuyển đổi số đang đồng loạt diễn ra trên toàn cầu. Cơ hội tăng tốc và bắt kịp các cường quốc về công nghệ là có thật.

“Chính phủ tiên phong, doanh nghiệp và người dân thích ứng dần”

Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI)

Quan sát từ các nước cho thấy, những nước nào mà chính phủ tiên phong chuyển đổi số, đi đầu trong việc số hóa các hoạt động tương tác sẽ thúc đẩy DN và người dân thích nghi và thực hiện các tương tác trên nền tảng số.

Bên cạnh đó, khi nhiều người dân và DN cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số sẽ tạo nền tảng để cùng đầu tư phát triển. Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc DN và người dân đầu tư cho chuyển đổi số còn phải cân nhắc các yếu tố về quy mô, chi phí, hiệu quả, mục đích. Chẳng hạn, các DN nhỏ và vừa ở nông thôn có khách hàng hầu hết là người dân nông thôn và chưa sẵn sàng tương tác chuyển đổi số mà DN đầu tư với số tiền lớn ở ngay thời điểm này thì chưa hẳn hiệu quả và có thể gây đọng vốn.

Điểm tích cực là Chính phủ đã tiên phong và đang đẩy mạnh chuyển đổi số với các dịch vụ công như các dịch vụ giáo dục, y tế… Quá trình chuyển đổi của DN là thích nghi từ từ. DN nào tương tác nhiều nhất với Chính phủ và người dân dựa trên nền tảng số thì họ chuyển đổi. Điều này thấy rõ từ các DN là các ngân hàng, hoặc các công ty dịch vụ…

“Chuyển đổi số là nền tảng để TP.HCM trở thành đô thị thông minh”

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM

TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Chương trình Chuyển đổi số ngay sau khi Thủ tướng ban hành Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia.

Chương trình đặt mục tiêu là TP.HCM trở thành đô thị thông minh, sáng tạo, phục vụ người dân và DN tốt nhất, đồng thời đặt lên hàng đầu năng suất và hiệu quả công việc của chính quyền, người dân, DN.

TP.HCM xác định ưu tiên phát triển thương mại điện tử đi đầu về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Song song với đó, một số lĩnh vực sẽ được ưu tiên phát triển nhanh chóng để mang lại lợi ích cho người dân, chủ yếu là y tế và giáo dục. Những lĩnh vực như giao thông, tài chính ngân hàng, du lịch - vốn đã có thành tựu nhất định - sẽ được tiếp tục tạo môi trường đi lên.

TP.HCM đang bắt đầu xây dựng trung tâm dữ liệu để DN kết nối, hỗ trợ, tương tác trong hoạt động kinh doanh, quảng bá sản phẩm.

“Số hóa là bước cải cách lớn nhất hỗ trợ doanh nghiệp”

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TP.HCM

TP.HCM cần sớm có quy định về nộp hồ sơ số để hỗ trợ các DN giảm thiểu thủ tục hành chính, cắt giảm thời gian, chi phí cho DN.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần quy định rõ bất kể công trình nào trên địa bàn Thành phố, khi hoàn công, phải nộp hồ sơ số (bản vẽ, hồ sơ về điện nước, viễn thông, kết cấu hạ tầng...) cho cơ quan nhà nước để cập nhật vào kho dữ liệu dùng chung của Thành phố. Như vậy, đồng bộ dữ liệu sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác quản lý, quy hoạch cũng như định hướng cho chính các DN.

“Bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức”

Ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông

Nền móng cho chuyển đổi số cần phải được tạo lập trên nhiều phương diện. Đầu tiên là chuyển đổi nhận thức, người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số… Đồng thời, kiến tạo thể chế trong đó chấp nhận khung thể chế thử nghiệm (sandbox), hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Phát triển hạ tầng số với việc phát triển hạ tầng băng rộng, mạng 5G, hạ tầng IoT… Phát triển nền tảng số trong đó có hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia; hệ thống thanh toán điện tử; các nền tảng số cho các lĩnh vực. Tạo lập niềm tin, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.

Trước mắt, phải đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực ưu tiên gồm y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, dành ít nhất 1% tổng ngân sách hàng năm cho ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng chiến lược Chính phủ số, xây dựng đồng bộ hạ tầng Chính phủ số, phát triển nhân lực chuyển đổi số. Có thể hình thành trung tâm chuyển đổi số vùng, mỗi vùng kinh tế trọng điểm nên xây dựng 1 trung tâm làm nòng cốt cho khu vực.

“Giải pháp phục hồi ngành du lịch”

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam

Tại Việt Nam, theo dự báo, năm 2020, Covid-19 làm cho khách quốc tế đến Việt Nam giảm ít nhất 70% so với năm 2019, khách nội địa giảm 50%, khách đi nước ngoài giảm 85%, doanh thu giảm trên 61%, khoảng 30% DN du lịch đã đóng cửa và con số này còn tiếp tục tăng.

Dù Chính phủ và ngành du lịch đã nỗ lực khắc phục hậu quả và khôi phục hoạt động của du lịch Việt Nam nhưng kết quả còn hạn chế.

Sự nguy hiểm, khó lường của Covid-19 đã làm hành vi của khách du lịch thay đổi theo chiều hướng cảm tính, khó phán đoán, thay đổi liên tục, bất thường… Chỉ khi doanh nghiệp có hệ thống thông tin về khách, về sản phẩm và dịch vụ, việc đề xuất các giải pháp, tính toán chi phí, điều hành dựa trên cơ sở phân tích các dữ liệu một cách khoa học mới có thể đáp ứng nhu cầu của khách.

Do đó, triển khai chuyển đổi số chính là giải pháp sớm khắc phục hậu quả của Covid-19, khôi phục và phát triển ngành du lịch. Chuyển đổi số góp phần cơ cấu lại DN theo hướng tinh, gọn, vận hành tối ưu cơ sở dữ liệu, xây dựng mô hình quản lý hiện đại, từng bước tự động hóa ở một số khâu. Ngành du lịch Việt Nam cần sớm xây dựng được hệ thống dữ liệu để từ đó nhận biết thói quen, xu hướng của khách để có sản phẩm phù hợp. Điều này có thể thấy rõ khi các mạng xã hội lớn trên thế giới đang sử dụng rất hiệu quả trí tuệ nhân tạo (AI) để gợi ý bán hàng rất hiệu quả tại thị trường Việt Nam.

“Xu thế không thể đảo ngược”

Bà Nguyễn Thị Khánh Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Dr Huệ

DN của chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ, vì vậy việc chuyển đổi số được thực hiện từ rất sớm. Chuyển đổi số với chúng tôi là vấn đề sống còn, vì nhờ đó Công ty đạt được hiệu quả trên nhiều khía cạnh như quản lý và vận hành đơn giản nhưng chặt chẽ, thấu hiểu tốt hơn khách hàng của mình, tăng năng suất lao động, phát huy tinh thần sáng tạo trong công việc của mỗi cá nhân và cả tập thể...

Chuyển đổi số DN hiện là xu thế không thể đảo ngược. Dĩ nhiên, trong đó dữ liệu sẽ trở thành tài sản lớn nhất của DN. Một điều hết sức lạc quan là dữ liệu có ích cho DN ngày càng đa dạng và chi phí để thu thập dữ liệu có xu hướng giảm nhanh. Nhưng, để chuyển đổi số hiệu quả, các DN cần hiểu rõ mình muốn gì và có chiến lược theo đuổi một cách cụ thể. Nghĩa là nên có sự đầu tư đúng đắn cho những công cụ quan trọng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, phân tích kinh doanh nhưng phải có đội ngũ thực sự chuyên sâu và hiểu biết đảm trách vấn đề này để không đi chệch hướng.

Trong tương lai, tất cả các DN đều sẽ chuyển đổi số. Khách hàng dùng smartphone, Internet ngày càng nhiều và có đòi hỏi cao hơn với sản phẩm, dịch vụ. Tâm lý khách hàng cũng đang thay đổi rất nhanh, cho nên họ có thể chuyển sang DN khác nếu mình không thỏa mãn chỉ với một cú click. Trên thị trường, đối thủ cạnh tranh cũng liên tục thay đổi, ngày càng mạnh lên, vì vậy mình không thể bàng quan, mà phải xem việc chuyển đổi số là một đòi hỏi bắt buộc.

“Không chuyển đổi ắt sẽ thất bại”

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA)

Chuyển đổi số là xu thế chung của thời đại, đặc biệt rất quan trọng đối với sự sống còn của DN. Quan sát và theo dõi các thành viên của HoREA, chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số rất tốt, nhờ vậy trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, tuy giãn cách xã hội, nhưng hoạt động mua bán vẫn diễn ra một cách khá ổn định, thông qua tương tác trực tuyến. Hơn ai hết, các DN hiểu rằng, nếu đứng ngoài cuộc, sớm muộn gì cũng sẽ thất bại.

Nhưng thực tế cũng có những DN muốn chuyển đổi số nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu? Theo tôi, chuyển đổi số đối với DN là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang DN số bằng cách áp dụng công nghệ mới. Trên cơ sở thay đổi từ phương thức điều hành, lãnh đạo, đến quy trình làm việc và văn hóa công ty, DN sẽ thích nghi với thời cuộc tốt hơn và phát triển nhanh hơn. Hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, DN được nâng cao. DN nào không chuyển đổi số, chắc chắn sẽ giảm sức cạnh tranh, dẫn đến mất dần chỗ đứng trên thương trường.

“Lợi ích to lớn cho doanh nghiệp”

Ông Nguyễn Văn Điềm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị mới Thủ Thiêm

Nhờ áp dụng chuyển đổi số sớm nên khi Covid-19 bùng phát, nhiều DN bất động sản, trong đó có công ty chúng tôi đã đảm bảo an toàn sức khoẻ cho hệ thống nhân lực bằng việc chuyển từ làm trực tiếp tại văn phòng sang làm việc, giao dịch online. Lấy ví dụ trên để minh chứng rằng, chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích to lớn, thay đổi công việc kinh doanh trở nên nhanh hơn, rẻ hơn và tốt hơn theo hướng đột phá.

Có những công việc giờ chúng tôi chỉ xử lý trong một ngày nhưng trước kia phải mất vài ngày, hoặc chỉ cần vài người thay vì trước đây dùng vài chục người. Cho nên, các DN dù nhỏ hay lớn đều không thể đứng ngoài công cuộc chuyển đổi số, tất nhiên cần có sự đầu tư đúng đắn.

Trong quá trình chuyển đổi số, người lãnh đạo DN có vai trò rất quan trọng. Tức là phải hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi DN của mình như thế nào. Khi lãnh đạo đã thông suốt và sẵn sàng, thì một bộ máy tổ chức hợp lý và đồng tâm hiệp lực sẽ luôn tạo ra sự chuyển đổi tốt. Và điều quan trọng nữa là, khi chuyển đổi số, vấn đề công nghệ phải được tối ưu hóa. Tức là phải đầu tư công nghệ phù hợp, chứ không được lỗi thời. Khi ba yếu tố trên cùng đồng hành, hiệu quả mang lại sẽ rất cao.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư