Doanh nghiệp Việt trong làn sóng chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế công nghệ toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng đến bộ mặt lẫn nền kinh tế mỗi một quốc gia. Tại Việt Nam nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã xác định chuyển đổi số là một yêu cầu mang tính sống còn để nâng cao năng suất, tối ưu hóa nguồn lực, bứt phá và dẫn đầu xu hướng.
Việc triển khai Office 365 ATP và EMS đã giúp Vinamilk cắt giảm được gần 80% chi phí vận hành. Ảnh: Lê Tiên
Việc triển khai Office 365 ATP và EMS đã giúp Vinamilk cắt giảm được gần 80% chi phí vận hành. Ảnh: Lê Tiên

Mới đây, doanh nghiệp trong lĩnh vực địa ốc là Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân và Công ty CP FPT đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, FPT sẽ hợp tác để áp dụng nền tảng công nghệ chuyển đổi số ứng dụng vào hoạt động quản lý của Hoàng Quân, số hóa toàn diện hỗ trợ công tác quản trị, đi đôi sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ số vào phát triển các dự án thông minh, toà nhà thông minh, căn hộ thông minh trong toàn bộ các dự án do Hoàng Quân đầu tư trong năm 2021.

Việc chuyển mình của Hoàng Quân nối tiếp nhiều cú bắt tay lớn từ đầu năm đến nay, đánh dấu sự sôi động của hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp Việt. Từ đầu tháng 10/2019 trở lại đây, Công ty CP Công nghệ Citek đã liên tiếp ký hợp đồng triển khai tư vấn chuyển đổi số với giải pháp quản trị tổng thể doanh nghiệp thế hệ mới trên nền tảng giải pháp SAP S/4HANA với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty Thiết bị điện (Thibidi), Công ty CP Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Eurowindow… SAP S/4HANA là hệ thống quản trị tập trung với quy trình kết nối dữ liệu giúp các bộ phận làm việc nhanh chóng, hiệu quả và dữ liệu có tính chính xác cao nhằm giúp lãnh đạo đưa ra các quyết sách nhanh chóng, gia tăng lợi thế cạnh tranh.

Hay vào tháng 3/2020, FPT ký ghi nhớ hợp tác đẩy mạnh chuyển đổi số với 3 hiệp hội gỗ lớn nhất Việt Nam, gồm Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA) và Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA).

Sự sôi động của thị trường cung cấp giải pháp số cho doanh nghiệp giúp FPT ghi nhận sự tăng trưởng doanh thu lớn từ mảng này. Cụ thể, doanh thu từ cung cấp giải pháp chuyển đổi số trong 8 tháng đầu năm 2020 của FPT đạt 2.274 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp sữa hàng đầu trong nước là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và lợi ích của việc chuyển đổi số, nên nhanh chóng bắt tay vào công tác chuyển đổi số từ năm 2005 cùng Microsoft.

Giám đốc công nghệ của Vinamilk từng chia sẻ, việc triển khai Office 365 ATP và EMS đã giúp Công ty cắt giảm được gần 80% chi phí vận hành. Đồng thời, Công ty có thể đưa ra những quyết định quan trọng một cách nhanh chóng, khi việc phân tích dữ liệu và phác thảo xu hướng được thực hiện dễ dàng hơn với công cụ phân tích kinh doanh Power BI.

Công ty CP Tập đoàn Container Việt Nam (Viconship) cho biết, đẩy mạnh công nghệ thông tin cũng giúp Công ty tiết giảm chi phí trước ảnh hưởng của Covid-19. Nhờ đó, dù doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2020 giảm 10,7%, đạt 801 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của Viconship lại tăng 36% so với cùng kỳ năm trước, đạt 113,2 tỷ đồng.

Không chỉ giúp giảm chi phí vận hành, cung cấp dữ liệu kịp thời và chính xác giúp lãnh đạo dễ dàng đưa ra quyết định và tối ưu hóa năng suất lao động..., chuyển đổi số cũng giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng trong thời gian dài. Minh chứng rõ ràng nhất là việc công nghệ đang thúc đẩy các kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ ngân hàng truyền thống, mở rộng giao dịch trực tuyến thông qua Internet Banking, Mobile Banking, mạng xã hội, ngân hàng không giấy…

Nhờ những chiếc smart phone và Internet, ngân hàng có thể tiếp cận với khoảng một nửa dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và những khu vực khó mở phòng giao dịch ngân hàng truyền thống.

Những câu chuyện điển hình trên là minh chứng cho thấy xu thế chuyển đổi số đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở hầu hết các lĩnh vực như thương mại, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, logistics, công nghiệp chế tác… đang bắt tay vào công cuộc cải tổ chính mình theo xu hướng chuyển đổi số.

Không chỉ diễn ra tại các doanh nghiệp, tại tọa đàm "Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức" diễn ra vào tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Chính phủ chuyển đổi số để quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Doanh nghiệp chuyển đổi số để phát triển, đưa dịch vụ tốt hơn đến người dân. Người dân cũng cần được khuyến khích tham gia chuyển đổi số vì chính bản thân mình.

Chuyên đề