7 xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Covid-19 đến nhanh như một cơn lũ, càn quét qua các nền kinh tế và để lại những hậu quả khủng khiếp với nhiều ngành, nhiều doanh nghiệp. Ở khía cạnh tích cực, thì trong thách thức, Covid-19 giúp cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp diễn ra nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn nếu doanh nghiệp thực sự biết tận dụng cơ hội này.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cần nhận diện thách thức trong và sau Covid-19 như thế nào để chuyển đổi số thành công? Theo nghiên cứu của Microsoft, có 7 xu hướng thúc đẩy chuyển đổi số của SME.

Làm việc linh hoạt

Làm việc từ xa trở thành lựa chọn bắt buộc khi Covid-19 diễn ra, nhưng ẩn đằng sau nó có nhiều câu chuyện và thông điệp hơn nữa. Khi làn sóng thứ nhất của Covid-19 đi qua, người ta dần nhận ra rằng, làm việc từ xa mang lại những lợi ích mà trước kia chưa bao giờ chúng ta nhận thấy. Sự tiết kiệm nguồn lực, thời gian di chuyển trên đường và khả năng vận hành mà không cần không gian vật lý.

SME với đặc thù của mình là linh hoạt sẽ cắt giảm những chi phí gây lãng phí, tốn kém, tận dụng các công cụ trực tuyến để vận hành hiệu quả hơn. Làm việc linh hoạt không chỉ thay đổi cách tương tác, mà thực chất thể hiện sự thay đổi trong tư duy của chủ doanh nghiệp về sự cần thiết phải có một không gian hoặc sự hiện diện vật lý, nó chính là trao quyền cho nhân viên được tự do và chủ động với công việc của mình.

Cá nhân hóa trải nghiệm

Có lẽ chưa bao giờ trong lịch sử, với những áp lực rất lớn của giãn cách xã hội, con người lại phải lên mạng trực tuyến nhiều như vậy. Thay vì 4 giờ bình quân cho các mạng xã hội, có lẽ con số này đã tăng lên gấp đôi thậm chí gấp ba lần. Người tiêu dùng thay đổi, các doanh nghiệp thay đổi, đương nhiên các doanh nghiệp bán hàng cho những đối tượng này cũng buộc phải thay đổi.

Con số theo thống kê của Microsoft là ở Mỹ, mới chỉ 8% khách hàng hài lòng với trải nghiệm của họ, có nghĩa là còn rất nhiều dư địa cho trải nghiệm của khách hàng được cải thiện ở những thị trường đang phát triển nơi thương mại điện tử mới chỉ ở giai đoạn khởi động. Nếu SME đi sâu vào hành vi, quy trình mua hàng và cảm xúc của khách hàng và muốn cải thiện nó thông qua chuyển đổi số

Quyết định dựa trên dữ liệu

Tỷ lệ 73% SME tại Mỹ thu thập, xử lý, phân tích, khai thác dữ liệu để ra quyết định cho thấy những tác dụng rõ rệt của dữ liệu lớn trong vận hành doanh nghiệp. Tìm ra giá trị trong dữ liệu mới thực sự là ý nghĩa của dữ liệu lớn. Thách thức của SME Việt Nam trước tiên nằm ở ý thức về tầm quan trọng của dữ liệu.

Dữ liệu của không ít doanh nghiệp mặc dù đã được số hóa nhưng phần lớn vẫn tản mát, thiếu chiến lược thu thập, xử lý, phân tích nên khâu khai thác để biến nó thành giá trị thì dường như chưa nhiều. Chưa kể rất nhiều doanh nghiệp còn để những dữ liệu này nằm trong tay của đơn vị thứ ba mà không hề có chiến lược kiểm soát.

Trí tuệ nhân tạo

Theo Microsoft, từ chatbots, tự phục vụ và quản lý mối quan hệ khách hàng, dự báo bán hàng, trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép các SME nắm bắt, quản lý và đo lường khách hàng và tương tác với doanh nghiệp của họ. Tuy nhiên, SME Việt Nam còn khá mơ hồ với ứng dụng AI trong sản xuất và kinh doanh và không biết bắt đầu từ đâu. Việc ứng dụng AI vào sản xuất kinh doanh đòi hỏi phải có sự chuẩn bị về mặt dữ liệu. Chỉ khi có dữ liệu đúng và phù hợp, doanh nghiệp mới có thể đặt ra bài toán về việc sử dụng AI ở mức độ nào cho những vấn đề nào cần giải quyết. Việc xác định vấn đề cũng như tìm ra mức độ ứng dụng AI để giải quyết nó phụ thuộc chủ yếu vào sự chuẩn bị dữ liệu của doanh nghiệp.

Giải pháp đám mây

Các giải pháp đám mây đang giúp doanh nghiệp giảm đáng kể chi phí đầu tư cho hạ tầng công nghệ khi áp dụng các công nghệ mới trong chuyển đổi số và gia tăng khả năng thích ứng và điều chỉnh linh hoạt của doanh nghiệp trong bối cảnh mới. Mặt khác, với các giải pháp đám mây, SME có thể mở rộng quy mô cung cấp dịch vụ mà không gia tăng chi phí đầu tư lớn. Nhận diện các vấn đề hiện tại xoay quanh quy trình và dịch vụ của mình và tìm kiếm các giải pháp đám mây phù hợp sẽ là một quá trình đòi hỏi có câu hỏi đúng và nhân sự phù hợp.

An ninh mạng

Xây dựng và bảo vệ tài sản trong công cuộc chuyển đổi số là một thách thức lớn với các SME của Việt Nam. Nếu chưa nhận thức về chuyển đổi số hay vấn đề dữ liệu, mọi ứng dụng công nghệ mới có thể đẩy doanh nghiệp vào những rủi ro mới. Phòng bao giờ cũng tốt hơn chống, đầu tư cho chuyển đổi số luôn luôn phải song hành với đầu tư phòng ngừa các rủi ro.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra cho mỗi doanh nghiệp chính là rủi ro lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải cho tài sản của mình khi chuyển đổi số là gì? Khi nhận diện được những rủi ro, với sự chuẩn bị của mình, doanh nghiệp sẽ có những đầu tư thích đáng cho việc xây dựng những quy trình an toàn hơn, hiệu quả hơn cho nội bộ và trong tương tác với các yếu tố môi trường bên ngoài.

Trao quyền cho người tiên phong

Rõ ràng, bài toán chuyển đổi số không chỉ là công nghệ mới hay phần mềm mới, nó cần cách nghĩ mới. Như đã phân tích ở trên, con người là chủ thể của quá trình này. Doanh nghiệp muốn chuyển đổi số hiệu quả thì cần có những con người tiên phong với cách làm mới và tư duy mới. Chủ doanh nghiệp thay vì tư duy đóng phải hướng đến tư duy mở, chấp nhận những cách tiếp cận mới và dám trao quyền cho những người có năng lực tiên phong.

Có thể thấy, chuyển đổi số đang tác động vào mọi khía cạnh của mô hình kinh doanh của một doanh nghiệp. 7 xu hướng tác động đến chuyển đổi số này sẽ tạo ra biến đổi cốt lõi của mô hình kinh doanh. “Bất kỳ công ty nào có hoạt động cốt lõi có thể chuyển sang trực tuyến đều cho thấy những kết quả tích cực bất ngờ”, Olivier D’Assier, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu ứng dụng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Qontigo nhận xét.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư