Các dự án BT hấp dẫn do nhà đầu tư được hoàn vốn bằng đất đai. Ảnh: Tiên Giang |
Khát vốn
Theo quan sát của PV Báo Đấu thầu, trước đây các dự án BT chủ yếu tập trung ở lĩnh vực hạ tầng cầu, đường và tại các thành phố lớn thì nay làn sóng này đã lan ra nhiều lĩnh vực khác như đô thị, chống ngập, xây trụ sở cơ quan nhà nước hay cả tượng đài… và được triển khai ở rất nhiều địa phương.
Có thể điểm ra một số dự án BT mới được đề xuất trong thời gian qua như cầu Thủ Thiêm 4 tại TP.HCM, dự kiến có tổng mức đầu tư 5.253,94 tỷ đồng. Dự án này do Liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 đề xuất. Hay như Dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa ở quận Bình Thạnh, với tổng vốn đầu tư 29.992 tỷ đồng, vừa được UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận chỉ định Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tiếp tục là nhà đầu tư thực hiện Dự án do thành viên còn lại trong Liên danh với Bitexco là Công ty Emaar Properties PJSC (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) không tiếp tục đầu tư dự án này.
Mới đây, đề xuất của UBND tỉnh Quảng Bình đối với Dự án Xây dựng Quần thể tượng đài Hồ Chí Minh theo hình thức đối tác công tư (PPP) - hợp đồng BT cũng đã được HĐND tỉnh Quảng Bình thông qua, với quy mô diện tích 6,8 ha và tổng vốn đầu tư 128 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, Bộ Giao thông vận tải vừa qua cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND tỉnh Đồng Nai triển khai xây dựng tuyến Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Long Khánh theo hình thức hợp đồng BT.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về việc xin chỉ định nhà đầu tư dự án theo hình thức BT đến nay cụ thể là bao nhiêu, nhưng việc các địa phương và nhà đầu tư tranh nhau đề xuất hình thức này khiến dư luận không khỏi đặt ra nhiều câu hỏi.
Điểm chung trước tiên của các dự án này là có tổng vốn đầu tư khá lớn. Theo Luật sư Nguyễn Thị Huỳnh, Công ty Luật ATIM, nhu cầu đầu tư về hạ tầng giao thông nói riêng tại Việt Nam đến năm 2020 là rất lớn, dường như lĩnh vực đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển đều đang rất khát vốn. Trong khi đó, khả năng bố trí vốn ngân sách hạn chế, trần nợ công lại cao, nên việc áp dụng hình thức PPP, trong đó có loại hình hợp đồng BT, trong phát triển hạ tầng giao thông là điều tất yếu.
Nhưng phải thận trọng
Một lý do khiến các dự án BT hấp dẫn nhà đầu tư, theo các chuyên gia kinh tế là bởi nhà đầu tư xây xong thì bàn giao ngay cho Nhà nước nên ít rủi ro. Vai trò của nhà đầu tư BT ở đây được ví không khác gì nhà thầu xây dựng được thuê làm mà không cần phải qua đấu thầu nên việc huy động vốn khu vực tư nhân trong dự án BT thực sự chưa đúng bản chất.
Đặc biệt, do mấu chốt của hình thức BT là đổi đất lấy hạ tầng nên việc hoàn vốn cho nhà đầu tư luôn gắn liền với đất đai và bất động sản. Trước thực tế quỹ đất ngày càng khan hiếm, với cách làm dự án BT, nhà đầu tư có thể “thôn tính” được đất công một cách dễ dàng mà không phải thông qua đấu giá hoặc các thủ tục khác.
Một thực tế không thể phủ nhận là thời gian qua khi thị trường bất động sản sôi động trở lại, làn sóng BT càng mạnh. Và, không khó để nhận ra những dự án bất động sản đình đám mà các chủ đầu tư ấp ủ từ những mảnh đất được quy đổi khi dự án BT được phê duyệt.
“Khi tính toán giá cả việc đầu tư hạ tầng, nhà đầu tư BT rất dễ đội giá lên cao, nhưng khi tính giá đất Nhà nước giao, lại có khả năng dìm xuống thấp. Vì vậy, khi giao đất đòi hỏi Nhà nước phải tính toán cẩn trọng để giá trị không thể thấp hơn giá thị trường, nhằm tránh thất thoát, lãng phí”, một chuyên gia kinh tế phân tích.
Dư luận cho rằng, sự thiếu minh bạch đôi khi lại chính là điểm hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư BT. Vì vậy, cần phải đấu thầu rộng rãi để chọn nhà đầu tư và đấu giá định giá quỹ đất thanh toán, nếu không BT sẽ là mảnh đất màu mỡ cho nhà đầu tư và dễ làm thất thoát tài sản nhà nước.