Dự án BT cần sự giám sát chặt chẽ hơn

(BĐT) - Hình thức BT trong 2 năm trở lại đây đang thịnh hành trở lại ở nhiều địa phương, như một giải pháp để thu hút tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng hình thức này tiềm ẩn nguy cơ thất thoát rất lớn và cần những giải pháp quản lý chặt hơn trong thời gian tới.
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP sẽ bổ sung quy định nhằm quản lý chặt hoạt động đầu tư theo hình thức BT. Ảnh: Tiên Giang
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP sẽ bổ sung quy định nhằm quản lý chặt hoạt động đầu tư theo hình thức BT. Ảnh: Tiên Giang

Lo ngại nhà đầu tư lợi cả hai đầu

Tuyến đường Lê Đức Thọ kéo dài do Tasco là nhà đầu tư đã thông xe ngày 28/4 vừa qua được dư luận gọi là “con đường dát kim cương”, bởi lẽ, với việc đầu tư tuyến đường dài 3,5km này theo hình thức BT, Tasco được đổi lại quỹ đất khoảng 70ha và là những khu đất có giá trị cao tại Hà Nội. Đó là dự án BT được phê duyệt từ nhiều năm trước, trong cơn sốt dự án BT cách đây năm bảy năm tại Hà Nội.

Trong trào lưu BT gần đây tại nhiều địa phương, như Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, các dự án BT chủ yếu do nhà đầu tư đề xuất. Nhiều dự án xây dựng nhà văn hóa xã, kết cấu hạ tầng giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, trụ sở làm việc của cấp xã cùng vài tuyến đường liên xã, nhưng tổng mức đầu tư lên tới trên sáu, bảy trăm tỷ đồng, đổi lại là quỹ đất đối ứng rộng hàng chục, hàng trăm ha. Nhiều khu đất giá trị cao đã rơi vào tay các nhà đầu tư thông qua hình thức này.

Thế nhưng, hầu hết các dự án BT đã thực hiện đều chỉ định nhà đầu tư. Nhiều ý kiến lo ngại, nếu thực hiện BT không đúng, không đấu thầu cạnh tranh thực sự, nhà đầu tư sẽ có lợi cả 2 đầu: nâng giá công trình BT và hạ giá quỹ đất đối ứng. Và khi đó, tài sản nhà nước sẽ thất thoát kép. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Hảo khi trao đổi với Báo Đấu thầu thậm chí còn khuyến nghị, trong điều kiện chưa “trị” được chủ nghĩa thân hữu, cánh hẩu, lợi ích nhóm, thì không nên thực hiện đầu tư theo hình thức BT.

Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, BT vẫn là hình thức thu hút đầu tư tư nhân chính trong số các hình thức hợp đồng PPP hiện nay. Một số ý kiến cho rằng, trong khi quỹ đất còn dôi dư, Nhà nước lại đang cần công trình, thì hình thức BT vẫn là một giải pháp có thể thu hút đầu tư tư nhân hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Thực trạng vừa qua còn có kẽ hở, nhưng không phải vì thế mà chặn, quan trọng là phải kiểm soát tốt hơn. 

Quy định chặt hơn về BT

Khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay một trong những nội dung cần phải xem xét sửa đổi để hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước và nhà đầu tư là thời điểm thanh toán của  các dự án BT. Đối với việc thanh toán trả bằng quỹ đất đối với các dự án BT, khi ký hợp đồng hoặc đang triển khai thì giá đất khác, khi đầu tư xong giá đất lại khác, vấn đề hài hòa giữa quyền lợi của Nhà nước, của doanh nghiệp, của địa phương là những vấn đề cần nghiên cứu ngay, chỉnh sửa ngay trong Nghị định sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP (NĐ15) sắp tới.

Dự thảo Nghị định sửa đổi NĐ15 bổ sung 1 chương quy định riêng đối với dự án BT nhằm quản lý chặt hơn việc thực hiện đầu tư theo hình thức này. Trong đó, Dự thảo Nghị định dự kiến quy định dự án do nhà đầu tư đề xuất không áp dụng đối với loại hợp đồng BT sử dụng quỹ đất để thanh toán.

Chuyên đề