Đầu năm lo chuyện nhập siêu

Dù mức nhập siêu 3,2 tỷ USD của năm 2015, bằng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu, được cho là chưa đáng ngại, song vẫn cần thận trọng với mục tiêu kiềm chế nhập siêu của năm 2016.
Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn năm sau cao hơn năm trước. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Nhập siêu từ thị trường Trung Quốc vẫn năm sau cao hơn năm trước. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Nhiều dự báo cho thấy, nhập siêu năm 2016 sẽ cao hơn năm 2015, do việc đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam, qua đó tăng mạnh nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ quá trình đầu tư, sản xuất - kinh doanh của mình. Nhiều dự báo cho rằng, chỉ trong quý I/2016, nhập siêu có thể lên tới 2 tỷ USD, bằng tới hơn 60% tổng mức nhập siêu của cả năm 2015.

Thực tế, với một nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như Việt Nam, nhập siêu là điều dễ hiểu. Vì thế, sau 3 năm xuất siêu, sang năm 2015, khi nhập siêu vọt lên mức 3,2 tỷ USD, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, con số này là chưa đáng ngại, thậm chí còn là tín hiệu cho thấy kinh tế đang hồi phục.

Bỏ qua các yếu tố về cân đối vĩ mô, cán cân thanh toán, áp lực tỷ giá…, thì việc Việt Nam nhập khẩu 165,6 tỷ USD, trong đó chỉ riêng nhập khẩu nhóm hàng tư liệu sản xuất đã lên tới 151,2 tỷ USD, chiếm 91,3% tổng kim ngạch nhập khẩu, đúng là động thái đáng mừng cho nền kinh tế.

Song nhìn nhận một cách thẳng thắn, vẫn còn nhiều điều đáng bàn từ cơ cấu nhập siêu của Việt Nam năm 2015. Đó là, sau nhiều nỗ lực hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc, thì nhập siêu từ thị trường này vẫn năm sau cao hơn năm trước. Năm nay, con số ước tính là 32,3 tỷ USD, tăng 12,5 tỷ USD so với năm trước.

Cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đang tiếp tục nổi lên là thị trường nhập siêu hàng đầu của Việt Nam, với ước tính 18,7 tỷ USD trong năm 2015, tăng 28% so với năm ngoái. Nhập siêu từ ASEAN cũng đã tăng lên 5,5 tỷ USD, tăng tới 44,7% so với năm 2014. Đáng chú ý là, với Nhật Bản, sau nhiều năm Việt Nam xuất siêu thì năm 2015, nước ta đã nhập siêu 300 triệu USD từ thị trường này.

Thêm vào đó, thực tế cũng đáng quan ngại là, nhập siêu năm 2015 hoàn toàn thuộc về khu vực kinh tế trong nước, với mức nhập siêu tới 20,3 tỷ USD. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 17,1 tỷ USD.

Đúng là không có nhập siêu lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam không thể có được mức xuất siêu 25,5 tỷ USD và 20,6 tỷ USD sang Mỹ và EU, cũng như xuất siêu sang các thị trường khác. Song rõ ràng, sự phụ thuộc quá lớn của Việt Nam trong nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường Trung Quốc, thậm chí đã xuất hiện thêm Hàn Quốc, là điều đáng lo ngại.

Bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đặt kỳ vọng rất lớn vào việc được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), song nguyên tắc sản phẩm phải sử dụng nguyên vật liệu từ các quốc gia thành viên TPP mới được ưu đãi thuế có thể khiến Việt Nam không tận dụng được cơ hội này. Lý do là, phần lớn nguyên liệu đầu vào hiện tại được Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc - hai quốc gia không phải là thành viên TPP.

Tất nhiên, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể đổ vào Việt Nam để đón đầu cơ hội từ TPP, song để được hưởng lợi thực sự hiệp định này, điều quan trọng nhất là cơ cấu kinh tế Việt Nam phải có sự thay đổi căn bản, tăng cường đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ. Nếu không, vẫn sẽ mãi phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và kết quả vẫn chỉ là công xưởng gia công với giá trị gia tăng thấp.

Bên cạnh đó, trong câu chuyện nhập siêu của năm 2016, quan trọng là làm sao “kích” được khu vực trong nước phát triển, tăng xuất khẩu, giảm nhập khẩu. Đây là giải pháp căn cơ để không chỉ giải bài toán nhập siêu, mà còn là sự phát triển của toàn nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam chỉ có thể mạnh khi hệ thống doanh nghiệp nội địa đủ mạnh.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư