Bến Nhựt Tảo, 1 trong 3 bến khách ngang sông của tỉnh Long An thực hiện đấu giá. Ảnh: Văn Huyền |
Gặp không ít tréo ngoe, bức xúc của các đơn vị, cá nhân bị đối xử bất công khi tham gia đấu giá, nhưng cũng gặp nhiều niềm vui vì có những địa phương đã mạnh dạn, kiên quyết tổ chức đấu giá nghiêm túc các bến khách ngang sông (BKNS), mang lại nhiều giá trị gia tăng cho cả chính quyền, nhà đầu tư và người dân.
Từ 7,5 triệu lên gần 300 triệu đồng/tháng
Đó là câu chuyện có thật mà chúng tôi ghi nhận ở huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Huyện Tân Trụ là một huyện khá nghèo, giáp ranh với Châu Thành và Cần Đước bởi hai dòng sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây. Trên địa bàn huyện Tân Trụ có 9 BKNS, trong đó có 3 bến quy mô lớn là Kỳ Son, Nhựt Tảo và Bình Tịnh. Những BKNS này đều giúp lưu thông của người dân từ Thủ Thừa, Tân Trụ, Tân An sang Cần Đước, Châu Thành, Gò Đen một cách nhanh hơn so với đường bộ.
Điều đáng chú ý, tất cả các BKNS tại Tân Trụ đều được UBND Huyện tổ chức đấu giá công khai từ nhiều năm nay. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Lâm Văn Hùng, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Tân Trụ cho biết: “Chúng tôi cho rằng, chỉ có đấu giá quyền khai thác các BKNS mới đem lại nhiều hiệu quả kinh tế nhất đối với cả chính quyền, nhà đầu tư cũng như người dân địa phương”.
Theo thông tin của ông Hùng, bến phà Kỳ Son nằm trên sông Vàm Cỏ Đông thuộc địa phận ấp Bình Thạnh, xã Bình Tịnh, huyện Tân Trụ và ấp Bình Thủy, xã Bình Qưới huyện Châu Thành là điển hình nhất của việc áp dụng đấu giá này. Ông Hùng cho biết: “Kỳ Son trước đây là bến khách tự phát, thuyền bè rất cũ nát và lạc hậu. Thời gian quay đầu đón khách lại rất lâu, từ 15 - 20 phút, ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại của người dân. Điều quan trọng hơn, trước khi đấu giá, mỗi tháng, chủ bến chỉ đóng vào ngân sách số tiền là 7,5 triệu đồng từ việc thu phí”.
“Trước tình hình này, bản thân UBND huyện Tân Trụ rất muốn tổ chức đấu giá quyền khai thác Bến nhưng tất cả các phòng, ban chuyên môn đều không có nhiều hiểu biết về lĩnh vực này. Do đó, chúng tôi mạnh dạn thuê Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Long An thực hiện. Và thật không ngờ, cách làm của chúng tôi lại đem đến rất nhiều thú vị”, ông Hùng phấn khởi chia sẻ.
Thú vị đầu tiên theo lời kể của ông Hùng, chính là sự công khai, minh bạch suốt quá trình tổ chức đấu giá đã thực sự thu hút số lượng các đơn vị đăng ký tham gia đấu giá đông kỷ lục. Lần đấu giá khai thác bến Kỳ Son có 23 đơn vị tham gia. Lần thứ nhất, kết quả đấu giá bị hủy do đơn vị trúng đấu giá không thực hiện cam kết. Lần đấu giá thứ hai, nhờ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng mà có tới 33 đơn vị đến từ khắp các tỉnh miền Tây như Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau đã đăng ký tham gia đấu giá.
Theo Biên bản đấu giá tài sản bến khách Kỳ Son, giá khởi điểm cho việc khai thác Bến là 5,88 tỷ đồng/7 năm. Qua 3 vòng trả giá, người trả giá cao nhất và trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn Tuấn với mức giá đấu cao gấp gần 4 lần mức giá ban đầu là 22,41 tỷ đồng/7 năm.
“Kết quả đấu giá đã thể hiện đúng giá trị mà tài sản của Nhà nước sở hữu. Từ chỗ mỗi tháng chỉ đóng 7,5 triệu đồng, từ đấu giá, chúng tôi thu về gần 300 triệu/tháng. Chủ bến cũ từ chỗ chỉ phải trả 7,5 triệu/tháng, khi đấu giá đã nâng lên 250 triệu đồng/tháng nhưng vẫn thua cuộc. Mức giá này là nguồn đóng góp lớn cho ngân sách Huyện chúng tôi”, ông Hùng cho biết.
Cần được nhân rộng
Dẫn chúng tôi ra bến khách Nhật Tảo nằm trên địa bàn xã An Nhựt Tân, ông Lâm Văn Hùng cho biết thêm: “Bến này đấu giá quyền khai thác trong vòng 15 năm với giá trị 43 triệu đồng/tháng. Bến có lượng khách ít hơn bến Kỳ Son nhưng vẫn được người trúng đấu giá đầu tư toàn bộ hệ thống bến, phà một lưỡi hiện đại với giá trị 1,2 tỷ đồng. Dù chỉ có 1 khách vẫn đúng 5 phút là quay đầu phà. Tại Tân Trụ, còn có bến khách Bình Tịnh đã được Huyện tổ chức đấu giá đem lại nguồn thu ngân sách 100 triệu đồng/tháng.
Theo thông tin của huyện Tân Trụ, nguồn thu từ việc đấu giá các BKNS Vàm Cỏ Tây và Vàm Cỏ Đông có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tái đầu tư, xây dựng hạ tầng cơ sở cho Huyện. “Cũng có nhiều khó khăn khi chúng tôi triển khai đấu giá các BKNS như tất cả các bến này đều có liên quan đến địa phương khác, cần tìm được tiếng nói chung. Còn những khó khăn về chuyên môn, nếu bản thân các địa phương không nắm rõ các quy định và quy trình tổ chức đấu giá thì tốt nhất nên thuê Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản. Quan trọng nhất là các địa phương có muốn tổ chức đấu giá, đấu giá một cách minh bạch, công khai và hiệu quả hay không mà thôi”.
Người dân Tân Trụ phản ánh với chúng tôi, họ hài lòng khi được phục vụ trên những chuyến phà mới. Bà Nguyễn Thị Bé Bảy, ngụ tại xã An Nhựt Tân, là công nhân thường xuyên đi trên phà Nhựt Tảo cho biết: “Giá qua phà được niêm yết công khai, phù hợp với thu nhập của người dân. Phà hiện đại, chắc chắn, có áo phao và thời gian quay đầu rất nhanh nên người dân đi làm rất yên tâm”.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, những cam kết của đơn vị trúng đấu giá về quá trình khai thác, thu phí phải tuyệt đối chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác bến như: thực hiện đúng theo Luật Giao thông đường thủy nội địa,; tham gia bảo hiểm bắt buộc; giá cước phí phải theo đúng quyết định của UBND Tỉnh niêm yết; thời gian phương tiện đậu lại bến phà chờ khách không quá 5 phút. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, UBND tỉnh An Giang cũng ban hành quy định chi tiết về việc tổ chức đấu giá quyền khai thác các BKNS với những hướng dẫn rất chi tiết và thu được nhiều kết quả tốt, được các đơn vị tham gia đấu giá đánh giá cao.