Đấu giá quyền khai thác bến khách ngang sông (Kỳ 1): Hàng ngàn tỷ đồng đang trôi theo con nước

(BĐT) - Hoạt động bán đấu giá tài sản đã góp phần công khai, minh bạch hóa việc xử lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước. 
2/3 bến khách ngang sông của cả nước đang tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Văn Huyền
2/3 bến khách ngang sông của cả nước đang tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Văn Huyền

Theo xu hướng hiện nay, các lĩnh vực cần phải đấu giá tài sản ngày càng được mở rộng, và việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về đấu giá tài sản nhà nước là một đòi hỏi cấp thiết. Bến khách ngang sông thuộc các tuyến đường thủy nội địa (BKNS) là một tài sản vô hình rất giá trị của Nhà nước nhưng chưa được thẩm định đúng mức, dẫn đến quá trình tổ chức đấu giá còn nhiều bất cập. 

Hàng ngàn tỷ đồng trên sông nước chưa được định giá

Theo thống kê chưa đầy đủ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường thuỷ nội địa và các địa phương, trên địa bàn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hiện có 3.739 BKNS với 6.408 phương tiện.

Có đến 2/3 BKNS của cả nước đang tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – nơi mà điều kiện giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn, và giao thông đường thủy vẫn chiếm vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh tế - xã hội. Theo khảo sát và tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, hiện nay, các BKNS tại khu vực ĐBSCL đều đang được giao cho tư nhân khai thác dưới nhiều hình thức. Phổ biến nhất vẫn là giao khoán qua đấu giá, hoặc chỉ định của UBND cấp huyện, xã. Tuy nhiên, cách thức tổ chức đấu giá các BKNS vẫn bị nhiều đơn vị quản lý chuyên ngành, nhà thầu, người dân kêu còn nhiều bất cập, tự phát, tiêu cực, không minh bạch và kém hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều địa phương vẫn còn khá lạ lẫm với việc đấu giá BKNS. Có huyện lại cho rằng, việc đó của xã, còn xã lại chỉ lên huyện.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Hòa, chủ bến phà An Phú Đông, quận 12 (TP.HCM), hiện nay, việc tổ chức đấu giá các BKNS gần như ít nơi thực hiện nghiêm túc. “Là dân trong nghề, chúng tôi đủ cơ sở để khẳng định rằng, khai thác các BKNS thực sự là một lĩnh vực hấp dẫn vì nguồn thu ổn định, tăng theo hàng năm. Tuy nhiên, rất nhiều địa phương hiện nay không coi trọng việc tổ chức đấu giá quyền khai thác BKNS. Họ chỉ thích chỉ định cho một đơn vị nào đó, dù đơn vị đó sẽ đóng góp vào ngân sách rất ít”, ông Hòa cho biết.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Phương, chủ 5 BKNS đóng tại Long An, Bến Tre, Vĩnh Long khẳng định: “Nếu tổ chức công khai, hoạt động đấu giá các BKNS tại khu vực ĐBSCL sẽ cực kỳ sôi động và hiệu quả lớn nhất là sẽ tăng nguồn đóng góp vào ngân sách lên hàng chục, hàng trăm lần so với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng buồn là thông tin về việc đấu giá các BKNS rất ít, vì các địa phương chỉ muốn “người trong cuộc chơi với nhau” mà thôi”.

Thông tin cho Báo Đấu thầu, một chủ bến ở Tiền Giang thẳng thắn: “Thất thoát ngân sách ở các BKNS là rất lớn do không được tổ chức đấu giá công khai. Nhiều chủ bến “chung chi ngầm” với địa phương để không tổ chức đấu giá, đấu giá hình thức để họ được quyền khai thác dù năng lực hạn chế. Trong khi đó, số tiền đóng vào ngân sách rất bèo bọt, thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng. Nếu tổ chức đấu giá nghiêm, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt với hàng ngàn BKNS ở vùng ĐBSCL sẽ đem lại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng”. Chỉ tính riêng tỉnh Cà Mau đã có 240 BKNS với đủ quy mô. Nếu khai thác, định giá đúng giá trị của các BKNS này, Cà Mau có thể thu được số tiền hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ các chủ BKNS.

Kiện tụng, tranh chấp do không đấu giá minh bạch

BKNS Phước Khánh trên sông Soài Rạp, huyết mạch lưu thông giữa huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai với huyện Nhà Bè (TP.HCM) là một bến nổi tiếng vì những tranh chấp, kiện tụng và kêu ca của người dân nơi bến hoạt động. Cung cấp thông tin cho Báo Đấu thầu, một người từng tham gia đấu giá bến Phước Khánh cho biết: “Quá trình đấu giá, tổ chức không minh bạch và đưa ra những tiêu chí rất thiếu cạnh tranh. Do đó, những người tham gia đấu giá không trúng đều không phục và gửi đơn kiện khắp nơi. Đến tận bây giờ, những người tham gia đấu giá vẫn có ấn tượng rất xấu về cách tổ chức đấu giá bến này”. Bến Phước Khánh hiện do Công ty Vạn Bình An khai thác. Theo hợp đồng ký kết giữa Vạn Bình An và UBND huyện Nhơn Trạch, đến tháng 5/2016, hợp đồng này sẽ hết hạn.

Khi trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, vị Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch vẫn… băn khoăn: “Chúng tôi cũng chưa biết nên tổ chức đấu giá tìm người khai thác bến Phước Khánh hay là gia hạn hợp đồng với Vạn Bình An. Theo tôi, tôi vẫn muốn gia hạn hợp đồng với Vạn Bình An hơn vì tổ chức đấu giá phức tạp lắm”. Có lẽ vì vậy mà bên cạnh việc chia sẻ về những khó khăn khi “phải” tổ chức đấu giá bến Phước Khánh, đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch không hề nhắc đến việc mức giá của Vạn Bình An đã phản ánh đúng giá trị của bến hay chưa. Một người đến từ địa phương khác bày tỏ mong muốn sẽ tham gia đấu giá bến này thì Phòng Quản lý đô thị huyện Nhơn Trạch cho biết “Còn nghiên cứu xem xét có nên gia hạn hay không?”, khiến nhà thầu rất hụt hẫng.

Trong khi đó, cung cấp thông tin cho Báo Đấu thầu, đại diện Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch khẳng định, người dân kêu ca rất nhiều về chất lượng phục vụ của chủ bến. “Người dân bức xúc vì cách phục vụ của chủ phà rất kém.

Những hộ dân sinh sống quanh bến Phước Khánh lại cho chúng tôi biết, hoạt động gần 10 năm nhưng chưa bao giờ họ thấy chủ bến xuất hiện. Nhiều người dân bày tỏ UBND huyện Nhơn Trạch tổ chức đấu giá lại bến để có thể tìm được chủ bến cung cấp dịch vụ tốt hơn. Xem ra, câu chuyện phiền phức do tổ chức đấu giá tại bến Phước Khánh sẽ còn kéo dài nếu như UBND huyện Nhơn Trạch vẫn coi đấu giá là việc làm “phức tạp lắm”.

Thực tế, không chỉ riêng bến Phước Khánh có tình trạng kiện tụng, tranh chấp vì việc tổ chức đấu giá không minh bạch và chuyên nghiệp. Nhiều BKNS như Dù Tho (Sóc Trăng), cây Dương (Cà Mau)… tình trạng này cũng đã kéo dài nhiều năm nay.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư