Bộ Ngoại giao nhận xét, nhiều mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng chưa bằng sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất. Ảnh: Tất Tiên |
Sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, tỷ lệ vật tư, hàng hóa trong nước được sử dụng chiếm tới 63,67% tổng giá trị hợp đồng các gói thầu có sử dụng vật tư, hàng hóa nhập khẩu của Bộ Ngoại giao.
Đánh giá về việc thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg, Bộ Ngoại giao cho rằng, việc thực hiện chủ trương sử dụng hàng Việt trong đấu thầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Trước tiên là đã làm thay đổi tâm lý của các chủ đầu tư trong việc lựa chọn nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, nguyên vật liệu trong các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước.
Các cơ quan, doanh nghiệp đã có những chuyển biến trong nhận thức và thay đổi hành vi đánh giá, lựa chọn nhà thầu theo hướng ưu tiên mua sắm vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước thay cho việc mua sắm hàng hóa nước ngoài. Việc thực hiện chủ trương này cũng góp phần thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao khả năng cạnh tranh của vật tư, hàng hóa trong nước với vật tư, hàng hóa nước ngoài. Qua đó góp phần cân bằng cán cân thương mại, hạn chế nhập khẩu đối với vật tư, hàng hóa, máy móc, thiết bị cùng mẫu mã, chủng loại và công dụng. “Đến nay, hàng Việt Nam chất lượng cao đã có chỗ đứng nhất định trong danh mục lựa chọn của các cơ quan, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam”, Bộ Ngoại giao đánh giá.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao cho rằng, hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg. Thứ nhất là cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai còn chưa đồng bộ, chưa bám sát thực tiễn công tác đấu thầu sử dụng vốn nhà nước.
Thứ hai là một số chủ đầu tư vẫn gặp khó khăn trong việc lựa chọn các gói thầu phù hợp với điều kiện, năng lực đáp ứng của nhà thầu trong nước.
Thứ ba là năng lực của các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa trong nước mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn nhiều hạn chế; một số vật tư, nguyên liệu, hàng hóa đòi hỏi cao về thiết kế, kỹ thuật, công suất, tuổi thọ… được sản xuất trong nước có chất lượng chưa bằng các sản phẩm cùng loại do nước ngoài sản xuất.
Do vậy, các chủ đầu tư vẫn có tâm lý nghiêng về các vật liệu, hàng hóa do nước ngoài sản xuất hoặc nhập khẩu về Việt Nam.
Để nâng cao việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, Bộ Ngoại giao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị số 494/CT-TTg; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước tập trung nghiên cứu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh với các hàng hóa, vật tư, nguyên liệu, máy móc nhập khẩu.