Bắt đầu cổ phần hóa VTVcab, SCTV

VTV tiếp tục duy trì phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV), đồng thời chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn góp tại CTCP Truyền thông quảng cáo Đa phương tiện (SmartMedia) về Công ty TNHH MTV Tổng công ty Truyền hình Cáp Việt Nam (VTVcab) và ghi tăng vốn nhà nước cho VTVcab.
Dự kiến VTVcab sẽ bắt đầu thực hiện các bước cổ phần hóa. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Dự kiến VTVcab sẽ bắt đầu thực hiện các bước cổ phần hóa. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Sắp xếp, tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong quý I/2016, VTV sẽ thực hiện cổ phần hoá tại VTVcab; thực hiện cổ phần hoá Công ty TNHH Dịch vụ truyền hình viễn thông Việt Nam (VTVbroadcom). VTV cũng thực hiện bán bớt phần vốn nhà nước tại Công ty TNHH Truyền hình Cáp SaigonTourist (SCTV) và chuyển công ty này thành công ty cổ phần theo quy định của pháp luật hiện hành.

VTV cũng có trách nhiệm thực hiện sắp xếp các doanh nghiệp trên theo quy định hiện hành; xây dựng lộ trình niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và lộ trình tiếp tục thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hoá Nhà nước không giữ cổ phần chi phối; tiếp tục làm đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà VTV đầu tư.

"Việc thoái vốn, rút dần vai trò của VTV tại các doanh nghiệp truyền hình trả tiền là để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cổ đông và người sử dụng thuê bao. Sau khi bán cổ phần khỏi các đơn vị này, VTV sẽ chỉ đóng vai trò là đơn vị kiểm soát về nội dung."

Theo ông Trần Bình Minh, Tổng giám đốc VTV, cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc VTV là một trong những chủ trương VTV thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và sẽ bắt đầu triển khai từ nay đến hết năm 2016. Việc thoái vốn, rút dần vai trò của VTV tại các doanh nghiệp truyền hình trả tiền là để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho cổ đông và người sử dụng thuê bao. Sau khi bán cổ phần khỏi các đơn vị này, VTV sẽ chỉ đóng vai trò là đơn vị kiểm soát về nội dung.

VTV cũng cho biết, sẽ chọn những đối tác chiến lược trong cổ phần hóa với các tiêu chí như: có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, nguồntài chính dồi dào, có công nghệ và trình độ quản trị tiên tiến…

Ông Tạ Sơn Đông, Phó tổng giám đốc VTVcab cho biết, chủ trương cổ phần hóa, lựa chọn đối tác chiến lược cho VTVcab đã có từ  gần 2 năm nay. Việc cổ phần hóa của VTVcab đang được 4 - 5 đối tác nước ngoài đặc biệt quan tâm và tìm hiểu cơ hội hợp tác. VTVcab đang xây dựng phương án, lộ trình cổ phần hóa. Bước đầu sẽ bán 15-20%, sau đó sẽ bán tiếp, nhưng không vượt quá 49%. Từ năm 2016, VTVcab bắt đầu thực hiện các bước cổ phần hóa.

Báo cáo của VTV cho thấy, VTV đã đầu tư, góp vốn thành lập 4 doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền hình gồm: VTV nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Công ty TNHH MTV Dịch vụ truyền hình - Viễn thông Việt Nam (VTV Broadcom) và VTVcab, trong đó VTVcab tham gia góp vốn vào K+ và nắm giữ 51% vốn điều lệ; VTV nắm giữ 50% vốn điều lệ là SCTV. Tại Công ty cổ phần Truyền thông quảng cáo đa phương tiện (Smart Media) VTV tham gia góp 18,07% vốn điều lệ.

Ông Lê Đình Cường, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) nhận xét, việc VTV cổ phần hóa VTVcab và SCTV là tín hiệu rất đáng mừng đối với thị trường truyền hình Việt Nam. Cổ phần hóa là xu hướng tất yếu của truyền hình trả tiền, để thị trường điều chỉnh việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có tiền thì mua cái hay về phát, ít tiền thì mua cái vừa. Người tiêu dùng cũng có thêm nhiều lựa chọn việc mua món hàng nào để phục vụ việc giải trí của gia đình mình.

Chuyên đề