5 lý do khiến thỏa thuận đóng băng sản lượng dầu thất bại

Thỏa thuận đầu tiên trong 15 năm qua giữa các nước thuộc và không thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng có thể không đem lại kết quả gì, theo CNBC.
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock

Hôm 16.2, hai nước sản xuất dầu lớn thế giới là Nga và Ả Rập Xê Út đồng thuận đóng băng sản lượng để đối phó với tình hình giá dầu thấp, miễn là các nhà sản xuất khác cũng đồng ý.

Song thông tin này không khiến các nhà đầu tư ấn tượng. Giá dầu Brent và WTI hạ thấp hơn trong phiên giao dịch ở Mỹ sau khi tăng lên một chút trước đó vì hy vọng cắt giảm sản lượng thay vì chỉ đóng băng hạn ngạch. Dưới đây là các lý do vì sao giới đầu tư không bận tâm nhiều về thỏa thuận giữa Nga và Ả Rập Xê Út.

Cung vẫn sẽ vượt quá cầu

Trong thị trường dư cung, chuyện đóng băng sản lượng chỉ đơn giản là ít có ý nghĩa hơn so với cắt giảm hẳn, đặc biệt là khi hai quốc gia trên bơm dầu ra kỷ lục trong tháng 1.

Nga đang sản xuất ở mức 10,88 triệu thùng/ngày trong khi hạn ngạch Ả Rập Xê Út cận mức cao nhất là 10,2 triệu thùng/ngày, chuyên gia về các loại hàng hóa Sebastien Marlier của The Economist Intelligence Unit cho hay.

Iran có thể từ chối tham gia

Chỉ vừa được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây, nhà sản xuất này có thể sẽ từ chối tham gia thỏa thuận giữ nguyên sản lượng vì họ muốn tăng bơm dầu, thúc đẩy nền kinh tế sau nhiều năm bị hạn chế giao dịch.

Đại diện từ Iran không xuất hiện trong cuộc họp hôm 16.2 và nước này đã lên kế hoạch nâng sản lượng lên ít nhất 500.000 thùng/ngày trong năm nay. Theo Reuters, hôm 17.2, phái viên đến OPEC của Iran phát biểu với tờ báo Shargh rằng “vô lý” khi đòi hỏi Iran phải đóng băng sản lượng dầu thô.

Nga có thể không thực hiện thỏa thuận

Các nhà sản xuất không thuộc OPEC từ trước đến nay không đáng tin trong các thỏa thuận sản xuất. Vào những năm 1990, Nga từng không tôn trọng một thỏa thuận tương tư với OPEC, chuyên gia Marlier chỉ ra. Năm 2001, khi thỏa thuận gần đây nhất giữa OPEC và các nước ngoài OPEC được trình ra, Ả Rập Xê Út thuyết phục Mexico, Na Uy và Nga giảm sản xuất. Song thay vì làm theo, Moscow nâng mức xuất khẩu.

OPEC có khả năng làm điều tương tự

Dù thiết lập trần sản lượng và mục tiêu, mức sản xuất thực sự của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ luôn là một dấu hỏi. Việc tuân thủ thỏa thuận là vấn đề khác nhau đối với từng nước. Có luồng ý kiến còn cho rằng OPEC có thể đã sản xuất vượt mức được thông báo.

Lượng cung sẽ không giảm nhiều

Với chuyện sản lượng được đóng băng, giá dầu có thể phục hồi và điều này có thể khiến các nhà sản xuất dầu đá phiến quay trở lại vì cách bơm dầu loại này đã có hiệu quả kinh tế.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư