Hơn 92% nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho địa phương theo hình thức cấp phát và gần như 100% các địa phương vẫn luôn coi đây là khoản "cho không". Ảnh: Tiên Giang |
Theo thông tin của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, trước thực tế sử dụng nguồn vốn ODA như hiện nay, đã có nhiều đề xuất cần thiết phải đổi mới quản lý nợ theo hướng cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ đối với các địa phương, thay vì cấp phát theo kiểu “cho không” như hiện nay để hạn chế đầu tư dàn trải, kém hiệu quả và gia tăng nợ công.
Báo cáo tại Hội thảo cho biết, có hơn 92% nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ cho địa phương theo hình thức cấp phát và gần như 100% các địa phương vẫn luôn coi đây là khoản "cho không". Điều này dẫn tới tình trạng các địa phương đăng ký vốn nhiều nhưng sử dụng lại chưa hiệu quả, thậm chí là sử dụng rất hình thức, nhiều dự án không phát huy ý nghĩa. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới hiện trạng có đến 90% dự án phải gia hạn ít nhất một lần, trong đó có những dự án tại các địa phương phải mất tới 10 - 12 năm mới hoàn thành.
Bộ Tài chính đề xuất, trong điều kiện ngân sách trung ương hạn chế, tình trạng nợ công tăng cao, đặc biệt là việc sử dụng kém hiệu quả nguồn vốn ODA ở cấp địa phương thì cần thiết phải điều chỉnh hướng quản lý vốn vay theo phương án tăng cường cho vay lại với trách nhiệm trả nợ chuyển dần từ Trung ương sang địa phương. “Các địa phương sẽ phải cân nhắc ngay từ khâu lập dự án, phê duyệt đầu tư, tính toán hiệu quả của dự án cũng như dự báo khả năng trả nợ nếu đó là món nợ của địa phương. Trách nhiệm trả nợ được gắn cụ thể cho các địa phương sẽ góp phần hạn chế tình trạng “xin” và “cho” trong sử dụng vốn ODA. Đồng thời, chất lượng đầu tư ODA cho các dự án địa phương sẽ được tăng cường hơn rất nhiều so với trước đây vì đã gắn với trách nhiệm thanh toán nợ”, Bộ Tài chính khẳng định.
Ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, cần minh bạch hóa hoạt động cấp phát và cho vay vốn ODA từ Trung ương về các địa phương. Khi các địa phương tự lên phương án về khả năng chi trả vốn thì công tác xây dựng dự án, tổ chức đấu thầu sẽ nghiêm túc, chất lượng hơn.
Bộ Tài chính khẳng định, thay đổi tư duy sử dụng vốn ODA cho UBND cấp tỉnh là cấp thiết. Tuy nhiên, việc cải cách sẽ có lộ trình để các địa phương dần làm quen. Quá trình thay đổi sẽ có những đánh giá tác động để hoàn thiện khung chính sách, hướng dẫn nhằm đảm bảo các địa phương sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn vay lại này.