VND đã giảm giá 4% so với USD

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đó là thông tin được ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết tại cuộc họp báo về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước .
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ông Quang nhận định, từ đầu năm đến nay, bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng (áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh; Fed tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga - Ukraine,…).

Đến nay, có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu (năm 2021 là 113 lượt tăng). Ngày 22/9, Fed đã tăng lãi suất điều hành thêm 0,75% trong bối cảnh lạm phát Mỹ rất cao (8,3%). Dự kiến đến cuối năm 2022, Fed sẽ đưa lãi suất mục tiêu lên trên 4% và tiếp tục duy trì mức lãi suất này đến hết năm 2023.

Diễn biến lạm phát thế giới và điều hành của Fed gây áp lực lớn lên tâm lý nhà đầu tư, dòng vốn rút ra tạo áp lực mất giá lớn đối với đồng tiền của các quốc gia mới nổi (trong đó có Việt Nam).

Đến sáng ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%). Đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (khoảng gần 4%).

“Liên quan đến điều hành tỷ giá, quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Quang cho biết.

Chuyên đề