Từ “siêu” cảng ICD Vĩnh Phúc đến khát vọng trung tâm logistics khu vực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Là nơi đóng đô của nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp lớn, có vị trí địa lý thuận lợi, liền kề với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, đặc biệt là nằm trên hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Vĩnh Phúc có lợi thế lớn để đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics.
Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô 83 ha, được xây dựng tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên - “thủ phủ” khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Hiền
Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô 83 ha, được xây dựng tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên - “thủ phủ” khu công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Hiền

Được xây dựng tại thị trấn Hương Canh và xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô 83 ha, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD, công suất thiết kế hàng hóa thông quan khoảng 530.000 TEU/năm, Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc là cái tên đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh tại khu vực ASEAN có chức năng tích hợp trung tâm phân phối và cảng cạn để phục vụ cho hoạt động cung cấp dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Dự án được khởi công cuối năm 2021, do Công ty CP T&Y Superport Vĩnh Phúc (liên doanh giữa Tập đoàn T&T và đối tác Singapore là Tập đoàn YCH) làm chủ đầu tư. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt cũng như kết nối với Hà Nội, sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc; tạo sự đột phá cho lĩnh vực logistics của Việt Nam, hướng tới mục tiêu năm 2025 chi phí logistics giảm xuống 16% GDP và tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15 - 20%. Đồng thời, Dự án sẽ góp phần kết nối Vĩnh Phúc với các nước trong khối ASEAN và quốc tế.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, bà Chan Yoke Ping - CEO Công ty CP T&Y Superport Vĩnh Phúc cho biết, các công trình thuộc giai đoạn 1 của “siêu” cảng đã được hoàn thành vào tháng 9/2022. Đây là ga hàng hóa kéo dài (Off - Airport Cargo Terminal) nhằm cung cấp dịch vụ nhà ga hàng hóa hàng không cho các khu công nghiệp xung quanh với mục tiêu giảm ùn tắc tại các sân bay trong mùa cao điểm. Dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ tăng lên khi ngày càng có nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử thành lập nhà máy tại Việt Nam. Khi hoàn thành, Cảng dự kiến sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng để hỗ trợ xuất khẩu, mở ra cơ hội đạt được những bước đột phá trong lĩnh vực hậu cần của Việt Nam.

Để nâng tầm Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc trở thành một trung tâm logistics lớn và hiệu quả nhất Việt Nam, tháng 8/2022, Chủ đầu tư Dự án đã bắt tay với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tích hợp kho hàng không kéo dài vào toàn bộ dịch vụ/mô hình thương mại của hãng hàng không này. Đồng thời, hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam dự kiến xây dựng nhánh đường sắt kết nối tuyến đường sắt quốc gia vào khu vực Dự án “siêu” cảng.

Hệ thống kho hàng logistics theo tiêu chuẩn quốc tế tại Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Hệ thống kho hàng logistics theo tiêu chuẩn quốc tế tại Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Là tỉnh phát triển công nghiệp với nhiều doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn, nhu cầu vận chuyển hàng hóa của Vĩnh Phúc là rất lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh ước đạt gần 11 tỷ USD, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng với hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung vào một số thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và thị trường có ký kết hiệp định thương mại tự do với Việt Nam. Trong đó, linh kiện xe máy, xe máy nguyên chiếc, gạch men, giày dép, quần áo, linh kiện điện tử là các sản phẩm thế mạnh của Tỉnh.

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 10 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, ASEAN… Các mặt hàng nhập khẩu bao gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng sản xuất, vải, sắt thép...

Để đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa của doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ; tăng cường cải cách hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận tiện ở tất cả các khâu; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics.

Đối với Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ xử lý khoảng 10% tổng sản lượng hàng hóa container ở các tỉnh phía Bắc. “Siêu” cảng được kỳ vọng sẽ là nút kết nối chính cho chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN với các thị trường quốc tế khác để thúc đẩy giao thương.

Chuyên đề