Vĩnh Phúc - đất lành cho khởi nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn đứng trong top đầu của cả nước. Những nỗ lực của chính quyền địa phương nhiều năm qua đã được doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư ghi nhận.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, 10 tháng đầu năm 2022, số lượng DN gia nhập thị trường và quay trở lại thị trường có dấu hiệu khởi sắc, đạt hơn 1.530 DN, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc có 1.123 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 20.531 tỷ đồng, tăng 18,7% về số DN và tăng gần gấp đôi về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số lượng DN quay trở lại thị trường cũng có xu hướng tích cực với 407 DN, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc cho biết, hầu hết các nhóm ngành đều có sự tăng trưởng về số lượng DN như: ô tô - xe máy, linh kiện điện tử, may mặc… Đặc biệt, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, các nhóm DN dịch vụ, trong đó có dịch vụ du lịch tăng trưởng cao.

Những con số này, theo ông Nguyễn Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc, cho thấy niềm tin của người dân và DN gia tăng, DN nhìn thấy cơ hội khởi nghiệp, sản xuất ổn định và tăng vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

10 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc có 1.123 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 20.531 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: Nhã Chi
10 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc có 1.123 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 20.531 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Để đạt được kết quả trên, cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc nâng cao chất lượng điều hành, cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Trong 3 năm trở lại đây, Vĩnh Phúc đã triển khai mô hình trung tâm hành chính công. Tất cả thủ tục đều thực hiện theo cơ chế liên thông một cửa qua hệ thống phần mềm điện tử ở cấp độ 4, triển khai từ cấp tỉnh cho đến cấp thấp nhất.

Với vai trò kết nối, ông Cường cho biết, Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc rất nỗ lực trong các hoạt động hỗ trợ DN kết nối với chính quyền địa phương để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; đồng thời tổ chức đào tạo, xúc tiến đầu tư, thương mại… Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội đã tổ chức 1 cuộc đối thoại lớn với lãnh đạo UBND Tỉnh và 4 cuộc đối thoại chuyên đề về tiếp cận đất đai, đầu tư công, tài chính - tín dụng, hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Lãnh đạo Tỉnh rất quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nên hầu hết kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội đều được chính quyền giải quyết thấu đáo, kịp thời. Một số vướng mắc chưa được giải quyết chủ yếu liên quan đến quy định của các bộ, ngành, có vấn đề kéo dài 1 - 2 năm, đang dần được tháo gỡ.

Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Internet

Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh Internet

Theo đại diện Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc, cuối năm 2022 và đầu năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn đối với DN do tác động của thị trường trong và ngoài nước, cầu tiêu dùng giảm, giá năng lượng tăng cao, xung đột chính trị trên trường quốc tế... Nhiều DN đang đối mặt khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là không tiếp cận được nguồn vốn vay bởi các ngân hàng thương mại cạn hạn mức tín dụng, lãi suất tăng cao. Thị trường đầu ra của một số sản phẩm xuất khẩu như may mặc… bị chững lại, đơn hàng mới sụt giảm. Mặt hàng nông sản gặp nhiều khó khăn ở thị trường Trung Quốc, vì quốc gia này vẫn tiếp tục chính sách zero Covid-19. Trong khi DN FDI có thể xoay xở được nhờ trường vốn, thì DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, gặp nhiều thách thức hơn.

Nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 18 - 19/11/2022, UBND Tỉnh đã tổ chức Chương trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc 2022 (Techfest VinhPhuc 2022) với chủ đề “Khơi nguồn đổi mới - Kiến tạo tương lai”. Trong khuôn khổ Chương trình có Hội thảo khoa học Chìa khóa ươm mầm khởi nghiệp thành công, Diễn đàn Kết nối đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Vĩnh Phúc, Tọa đàm Chính sách thu hút nguồn lực đầu tư và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc...

Để vượt qua giai đoạn này, DN cần nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, từ Chính phủ và các bộ, ngành, như cho phép tiếp cận vốn, kéo dài thời gian miễn, giảm thuế, tiền thuê đất… Dù chỉ số PCI năm 2021 của Vĩnh Phúc đứng trong top 5 của cả nước, nhưng sau 17 năm đánh giá, chỉ số này vẫn chưa ổn định, vẫn có năm cao năm thấp. UBND Tỉnh cần tập trung chỉ đạo, nâng cao các chỉ số còn thấp như tiếp cận thông tin, đào tạo lao động… lên top đầu của cả nước.

Đồng thời, chính quyền các cấp cần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ hiện thực hóa các dự án khởi nghiệp, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo kết hợp với chuyển đổi số bằng những chính sách cụ thể.

Về phía DN, theo ông Nguyễn Văn Cường, đây là thời điểm tốt để sàng lọc và định hình DN. Muốn duy trì và bắt kịp sự phát triển, DN phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh, chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ công nghệ lạc hậu sang sử dụng công nghệ mới, hiện đại, thân thiện với môi trường, nhanh nhạy nắm bắt thời cơ.

Chuyên đề