Vĩnh Phúc: Triển khai quy hoạch Tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong năm 2023, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra là phải cụ thể hóa các giải pháp, kế hoạch hành động để tổ chức triển khai Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch Tỉnh sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong trung và dài hạn.
Công nghiệp được xác định là một trong hai động lực phát triển chính của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Lê Tiên
Công nghiệp được xác định là một trong hai động lực phát triển chính của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Lê Tiên

Với vị trí địa kinh tế và những tiềm năng phát triển của Vĩnh Phúc, Tỉnh đang có nhiều lợi thế so sánh để trở thành trung tâm đầu mối, thúc đẩy liên kết vùng Thủ đô và Đồng bằng sông Hồng trong phát triển kinh tế.

Báo cáo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho biết, quan điểm phát triển xuyên suốt của Tỉnh là phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh kinh tế; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nền kinh tế theo hướng kinh tế số, kinh tế tri thức và tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát huy lợi thế vị trí của Vĩnh Phúc trong Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Hà Nội; tăng cường các liên kết phát triển giữa Vĩnh Phúc với vùng và các địa phương lân cận. Với việc xác định Hà Nội là thị trường quan trọng để phát triển, Vĩnh Phúc sẽ chủ động liên kết với Hà Nội, đặc biệt là các kết nối giao thông, xác định khu vực tiếp giáp sân bay Nội Bài là cửa ngõ của Vĩnh Phúc, nâng cấp Quốc lộ 2 để thuận lợi hơn trong việc liên kết với Tỉnh…

Về động lực phát triển, Vĩnh Phúc xác định, những năm tiếp theo, động lực chính là ngành công nghiệp và du lịch. Theo đó, Tỉnh dự kiến tập trung phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch đặc thù; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao (đặc biệt là ngành chăn nuôi); dịch vụ thương mại và logistics.

Quan điểm phát triển này dựa trên các tiềm năng liên kết vùng khi Vĩnh Phúc nằm ở trung tâm của cụm công nghệ cao về điện tử (Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh) và giao thoa với cụm dịch vụ (Thủ đô Hà Nội), do đó có nhiều cơ hội và tiềm năng hơn các địa phương khác. Ngoài ra, Vĩnh Phúc có thể tận dụng lợi thế cảng biển, các ngành công nghiệp cơ khí luyện kim và sản xuất ô tô từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, để phát triển cụm dịch vụ hậu cần, thương mại và ngành ô tô.

Bên cạnh đó, với lợi thế địa lý bên cạnh Thủ đô Hà Nội, Vĩnh Phúc và Hà Nội có mối liên hệ đặc biệt và toàn diện trên hầu hết các hoạt động kinh tế văn hóa, xã hội và hạ tầng, nên Vĩnh Phúc có tiềm năng cung cấp các lựa chọn về giải trí. Vĩnh Phúc xác định sẽ trở thành là đô thị “cộng sinh, tương trợ” cho sự phát triển của Hà Nội trong tương lai, góp phần tăng cường các dịch vụ xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống của vùng Hà Nội thông qua các dịch vụ giáo dục, nghiên cứu và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến tập trung phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch đặc thù. Ảnh: Lê Tiên

Tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến tập trung phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch đặc thù.

Ảnh: Lê Tiên

Nằm trên hành lang kinh tế chính (hành lang Lào Cai - Hà Nội - Vĩnh Phúc - Hải Phòng - Quảng Ninh, kết nối các tỉnh với hệ thống với các đường cao tốc, các tuyến quốc lộ, như Quốc lộ 1, 2, 5, và 18, sân bay, cửa khẩu và cảng biển quốc tế), Vĩnh Phúc có lợi thế phát triển các hoạt động logistics và kho vận chuyên biệt, tận dụng vị thế trọng yếu của hai hành lang kinh tế cũng như vai trò là cửa ngõ trung chuyển, kết nối chuỗi sản xuất công nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Hồng với đường xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc, cảng biển và sân bay.

Tại Hội thảo lấy ý kiến Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhấn mạnh, để triển khai hiệu quả “Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, cần có quyết tâm chính trị và sự đồng thuận cao từ phía các sở, ban, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần giải quyết khẩn trương những vấn đề tồn tại trong quy hoạch từ những thời kỳ trước. Đặc biệt, cần linh hoạt, sáng tạo trong công tác thực hiện quy hoạch, khai thác triệt để những ưu thế về tự nhiên, biến những khó khăn về đặc điểm địa lý thành lợi thế của Tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, cơ quan này đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với dự kiến sẽ trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch Tỉnh trong thời gian ngắn tới.

Chuyên đề