Vĩnh Phúc: Điểm sáng phát triển kinh tế phía Bắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đối mặt với tác động bất lợi của dịch Covid-19 và những biến động khó lường của tình hình thế giới, 10 tháng đầu năm 2022, kinh tế của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp đà phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Với lợi thế của một địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, có nhiều kinh nghiệm trong thu hút đầu tư, đà tăng trưởng này sẽ tạo thế và lực mới để Vĩnh Phúc bứt phá, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 cũng như giai đoạn 5 năm (2021 - 2025).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng của tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 9%, cao hơn mức bình quân cả nước. Ảnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng của tỉnh Vĩnh Phúc đạt gần 9%, cao hơn mức bình quân cả nước. Ảnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc

Kinh tế tăng trưởng cao theo hướng công nghiệp

Sau 25 năm tái lập Tỉnh (1/1/1997 - 1/1/2022), Vĩnh Phúc đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, tận dụng mọi thuận lợi, thời cơ đưa kinh tế địa phương phát triển với tốc độ cao, trở thành điểm sáng trong khu vực kinh tế phía Bắc.

Báo cáo về tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 vừa được Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cập nhật cho thấy, kinh tế Vĩnh Phúc tiếp tục hồi phục mạnh mẽ với nhiều kết quả ấn tượng.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 10 tháng ước tính tăng 15,42% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 11,06% của cùng kỳ năm 2021 và mức tăng 13,89% của cùng kỳ năm 2019 (trước khi xảy ra dịch Covid-19).

Một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp như: sản xuất linh kiện điện tử tăng 20,54%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,22%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 14,18%... Số lao động làm việc trong các doanh nghiệp (DN) công nghiệp tại thời điểm 1/10/2022 tăng 3,78% so với tháng trước và tăng 4,52% so với cùng kỳ năm 2021.

Kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn tiếp tục ổn định và tăng khá. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh thương mại mang lại hiệu quả tích cực. Tính chung 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Vĩnh Phúc ước đạt 54,05 nghìn tỷ đồng, tăng 20,05% so với cùng kỳ năm 2021.

Các ngành chức năng của Tỉnh nỗ lực triển khai, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các công trình, dự án, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, tổng số vốn đầu tư thực hiện 10 tháng năm 2022 đạt 5.809,13 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021...

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Phúc lọt top 10 địa phương tăng trưởng cao nhất cả nước. Tính đến hết tháng 9/2022, hầu hết các chỉ tiêu KT-XH của Vĩnh Phúc đều đạt và vượt so với Nghị quyết HĐND Tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt gần 9%, cao hơn mức bình quân cả nước.

Số liệu của cơ quan thống kê công bố các năm trước đó cho thấy, Vĩnh Phúc đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2019, GRDP của Vĩnh Phúc tăng 8,05%/năm. Năm 2020 và năm 2021, trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, Vĩnh Phúc đạt tăng trưởng GRDP lần lượt là 2,79 và 8,02%.

Tính đến ngày 15/10/2022, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.123 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 20.531 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Tính đến ngày 15/10/2022, tỉnh Vĩnh Phúc có 1.123 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 20.531 tỷ đồng. Ảnh minh họa: Tường Lâm

Khơi thông nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Một điểm sáng khác rất đáng chú ý trong bức tranh tăng trưởng của tỉnh Vĩnh Phúc là hoạt động gia nhập thị trường và tái gia nhập thị trường của các DN trên địa bàn Tỉnh. Tính đến ngày 15/10/2022, Tỉnh có 1.123 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 20.531 tỷ đồng, tăng 18,71% về số DN, tăng mạnh 99,72% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Số lượng DN thành lập mới tập trung chủ yếu ở khu vực dịch vụ (710 DN, chiếm 63,22%) với 6.808 tỷ đồng vốn đăng ký mới, tăng 27,44% về số DN và tăng 6,95% về vốn đăng ký. Đây là khu vực đang có xu hướng hồi phục mạnh mẽ nhất sau đại dịch Covid-19.

Số lượng DN quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 407 DN, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đến 15/10/2022 lên 1.530 DN (trung bình mỗi tháng có 153 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động).

Về thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/10/2022, Tỉnh thu hút được 23 dự án đầu tư trong nước (16 dự án cấp mới, 7 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 9.876,17 tỷ đồng; 57 dự án FDI (25 dự án cấp mới, 32 dự án điều chỉnh vốn) với tổng vốn đăng ký đạt 312,5 triệu USD.

“Điểm sáng tập trung tại 32 dự án FDI điều chỉnh quy mô với 136,45 triệu USD, tăng 11,23% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư gắn bó lâu dài”, Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.

Ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, kết quả đạt được là nhờ sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và sự đồng thuận, tích cực vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trong Tỉnh.

Nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5 - 9% năm 2022, góp phần hoàn thành Kế hoạch phát triển KT-XH của Tỉnh giai đoạn 2021 -2025, lãnh đạo UBND Tỉnh cho biết, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển với việc tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về đất đai, môi trường đầu tư, đầu tư công, hỗ trợ phục hồi DN…

Với sự hồi phục và phát triển tích cực của kinh tế địa phương cùng những thành tựu, kinh nghiệm sau 25 năm tái lập Tỉnh, nhiều chuyên gia kinh tế và DN tin tưởng, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong các năm tới.

Chuyên đề