Vĩnh Phúc nâng tầm diện mạo qua những đại công trình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với mục tiêu đến năm 2025 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, Vĩnh Phúc đã và đang nâng tầm diện mạo bằng việc triển khai hàng loạt dự án trọng điểm trong nhiều lĩnh vực.

Với địa thế nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ Thủ đô, gần Sân bay quốc tế Nội Bài, là cầu nối giao thông Tây Bắc với Hà Nội và Đồng bằng sông Hồng, Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế vùng và quốc gia. Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), UBND tỉnh Vĩnh Phúc xác định đến năm 2025, kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I, trong đó, kết cấu hạ tầng đô thị Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã.

Những kế hoạch, mục tiêu này đang được hiện thực hóa bằng các tuyến giao thông, các cây cầu kết nối Vĩnh Phúc với các tỉnh, thành phố lân cận; các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; hạ tầng xã hội phục vụ dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục; kiến trúc cảnh quan đô thị, nhất là các trung tâm đô thị, huyện lỵ, các khu du lịch lớn như Tam Đảo, Tây Thiên...

Những ngày gần cuối năm, không khí làm việc trên công trường một số dự án giao thông liên tỉnh của Vĩnh Phúc càng trở nên nhộn nhịp, khẩn trương hơn bao giờ hết. Được khởi công từ cuối năm 2021 bởi Liên danh Công ty CP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam - Công ty Quảng Lợi, Dự án Xây dựng cầu Vĩnh Phú bắc qua sông Lô kết nối tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ có tổng mức đầu tư hơn 540 tỷ đồng, mục tiêu đưa vào khai thác sử dụng trong tháng 6/2023, vượt tiến độ cam kết khoảng 5 tháng. Đây là dự án quan trọng trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của cả hai địa phương. Sau khi hoàn thành, cầu Vĩnh Phú không chỉ đáp ứng nhu cầu lưu thông, chấm dứt cảnh chờ đợi phà để qua sông Lô, tăng khả năng kết nối giao thương, phát triển kinh tế vùng, mà còn là biểu tượng cho tình đoàn kết, mối quan hệ mật thiết giữa nhân dân hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc.

Trên công trường thi công đường Hàm Nghi, đoạn từ Quốc lộ 2 đến Công ty Honda Việt Nam, Liên danh nhà thầu thi công đang huy động toàn lực nhằm bảo đảm tiến độ Dự án. Đây là tuyến giao thông chính phục vụ vận chuyển sản phẩm hàng hóa từ Công ty Honda Việt Nam đi các nơi, kết nối TP. Phúc Yên với huyện Mê Linh của Hà Nội.

Trước đó, nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2022), Vĩnh Phúc đã khánh thành hai công trình trọng điểm sau nhiều năm triển khai. Đó là cầu Đầm Vạc và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.

Dự án Cầu Đầm Vạc có tổng mức đầu tư hơn 612 tỷ đồng, nối bán đảo phía Nam với trung tâm TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Hiển

Dự án Cầu Đầm Vạc có tổng mức đầu tư hơn 612 tỷ đồng, nối bán đảo phía Nam với trung tâm TP. Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Đức Hiển

Được khởi công từ năm 2020, Dự án Cầu Đầm Vạc có tổng mức đầu tư hơn 612 tỷ đồng, với thiết kế chiều dài 310m, cắt ngang mặt cầu rộng 13m, 2 làn xe chạy gồm 2 đơn nguyên độc lập được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Cây cầu nối liền bán đảo phía Nam với trung tâm TP. Vĩnh Yên, tạo điểm nhấn quan trọng về giao thông và du lịch cho khu vực Đầm Vạc nói riêng và TP. Vĩnh Yên nói chung. Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối hai bên hồ Đầm Vạc được đánh giá sẽ giúp khai thác tốt hơn nguồn lực đất đai quanh khu vực, làm tăng giá trị nhiều dự án đô thị đang hình thành và phát triển quanh Đầm Vạc và phía Nam TP. Vĩnh Yên như Khu đô thị Nam Đầm Vạc, Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc (River Bay Vĩnh Yên), Khu đô thị Nam Vĩnh Yên, Sân golf Đầm Vạc...

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những công trình trọng điểm của Tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII, có tổng mức đầu tư lên đến 1.510 tỷ đồng. Bệnh viện có quy mô 1.000 giường, tổng diện tích sàn là 98.874 m2, bình quân đạt 98,8 m2/giường bệnh, cao hơn so với diện tích tiêu chuẩn của bệnh viện đa khoa cả nước là 80 - 90 m2/giường bệnh. Bệnh viện được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn khám, chữa bệnh chất lượng cao, trong đó nổi bật là các chuyên khoa mũi nhọn, thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao mang tính chất khu vực phục vụ nhân dân trong Tỉnh và các tỉnh lân cận. Công trình được xem là nền tảng để Vĩnh Phúc đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ thống y tế thông minh, nâng cao hiệu quả công tác điều trị, dự phòng và chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, nhiều công trình, dự án đầu tư công trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục của Tỉnh đã được hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng như: Đường nối từ đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu danh thắng Tây Thiên; Vành đai 4 đoạn Yên Lạc - Bình Dương; Quảng trường Văn hóa và Trung tâm Văn hóa, thể dục thể thao huyện Yên Lạc...

Theo đánh giá của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan, việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội đúng thời điểm là những hành động thiết thực nhất khẳng định quyết tâm của Tỉnh, đáp ứng yêu cầu và mong mỏi của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Các đại dự án không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Định hướng hoàn thiện hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc tiếp tục thể hiện ở số lượng dự án được hình thành mới trong năm 2022. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã phê duyệt 168 dự án đầu tư xây dựng mới. Trong đó, một số dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh quá trình lựa chọn nhà thầu như: Dự án Đường Tây Thiên - Tam Sơn, đoạn từ Tây Thiên đến cầu Hợp Lý và đoạn từ Quốc lộ 2C đến hồ Vân Trục (375 tỷ đồng); Dự án Xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, TP. Vĩnh Yên (488 tỷ đồng); Dự án Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh (458 tỷ đồng); Dự án Đường song song đường sắt Hà Nội - Lào Cai (tuyến phía Bắc), đoạn nối từ Khu công nghiệp Khai Quang đến đường 36m Khu công nghiệp Bình Xuyên đi Khu công nghiệp Bá Thiện (678 tỷ đồng)...

Đây sẽ là những công trình tạo dấu ấn mới cho hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc những năm tiếp theo, tăng lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo tiền đề sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành đô thị loại I trong tương lai.

Chuyên đề