Nhiều nhà đầu tư ngoại tiếp tục “rót” tiền vào Vĩnh Phúc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi, chính quyền thân thiện, đồng hành, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn Vĩnh Phúc là “căn cứ địa ” và không ngừng mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều đó tiếp tục được chứng minh bằng số vốn điều chỉnh tăng thêm 11 tháng năm 2022 của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Tỉnh.

Ngày 29/11/2022, Dự án Solum Electronics Việt Nam do Solum Co.,Ltd (Hàn Quốc) đầu tư được Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh, với quy mô vốn tăng thêm 45 triệu USD, từ 2.561,9 tỷ VND, tương đương 110 triệu USD lên 3.820,8 tỷ VND, tương đương 155 triệu USD.

Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho ông Ha Jea Gab, Tổng giám đốc Công ty TNHH Solum Vina

Ông Nguyễn Xuân Phương, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho ông Ha Jea Gab, Tổng giám đốc Công ty TNHH Solum Vina

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, Dự án Solum Electronics Việt Nam có quy mô trên 40.036,3 m2 tại KCN Bá Thiện II, sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị truyền thông. Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 3/2/2016, đến nay, sau hơn 6 năm hoạt động tại Vĩnh Phúc, Dự án đã 5 lần điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong đó có 4 lần tăng vốn đầu tư, vốn góp, tăng quy mô sản xuất. Dự án hiện sử dụng 3.120 lao động, trong đó có 20 lao động nước ngoài, 3.100 lao động Việt Nam.

Một nhà đầu tư Hàn Quốc khác - Công ty TNHH Jahwa Vina - chuyên sản xuất linh kiện điện tử cung cấp cho Công ty Samsung Electronics Việt Nam và Công ty LG Việt Nam, đầu tư và đi vào hoạt động tại KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc) năm 2010 với tổng vốn đầu tư ban đầu 10 triệu USD. Từ 1 phân xưởng ban đầu, theo thông tin tại Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc, đến nay, Công ty đã mở rộng quy mô sản xuất lên 7 nhà xưởng, tăng tổng vốn đầu tư lên 80 triệu USD, doanh thu tăng bình quân từ 10 - 15%/năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 3.000 lao động.

Toyota, Honda - hai nhà đầu tư lớn của Nhật Bản - đã chọn Vĩnh Phúc làm “căn cứ địa” từ hơn 20 năm trước và liên tục phát triển, mở rộng đầu tư, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành địa phương có ngành sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu cả nước. Tại Hội nghị “Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản năm 2022”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio nhận định, Vĩnh Phúc là một trong những trung tâm thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản và đảm nhận vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản.

Đến nay, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến của gần 500 doanh nghiệp FDI từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Số liệu 11 tháng năm 2022 vừa được Cục Thống kê Vĩnh Phúc công bố tiếp tục cho thấy Vĩnh Phúc đang là nơi “ăn nên làm ra” của rất nhiều nhà đầu tư FDI.

Đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 62 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 317,96 triệu USD
Đến ngày 15/11/2022, toàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 62 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 317,96 triệu USD

Theo Cục Thống kê Vĩnh Phúc, công tác xúc tiến đầu tư của Tỉnh trong những tháng cuối năm có nhiều tín hiệu khởi sắc, lượng vốn đầu tư tăng đều qua các tháng, chủ yếu ở các dự án điều chỉnh quy mô vốn đăng ký. Điều đó cho thấy Vĩnh Phúc tiếp tục là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng cho các nhà đầu tư.

Cục Thống kê dẫn số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, đến ngày 15/11/2022, toàn Tỉnh thu hút được 62 dự án FDI, gồm 27 dự án cấp mới, 35 dự án điều chỉnh vốn, với tổng vốn đăng ký đạt 317,96 triệu USD, bằng 31,42% so với cùng kỳ năm 2021 (tổng vốn đăng ký 11 tháng năm 2021 tăng đột biến, đạt 1.012 triệu USD, do có 1 dự án lớn với tổng mức đầu tư lên tới 611 triệu USD). Vốn FDI đăng ký tăng mạnh ở các dự án điều chỉnh tăng quy mô vốn hoạt động với 140,93 triệu USD cho 35 dự án, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; tăng chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 138,48 triệu USD, tăng 7,53% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhật Bản là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Vĩnh Phúc trong 11 tháng qua với 175,47 triệu USD (11 dự án), chiếm 55,19%; Hàn Quốc đầu tư 68,93 triệu USD (35 dự án), chiếm 21,68% tổng vốn FDI đăng ký.

Năm 2022, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu thu hút 25 đến 30 dự án FDI mới, tổng vốn đăng ký khoảng 300 triệu USD. Với số liệu của 11 tháng, mục tiêu này đã đạt và vượt. Kết quả này có được nhờ rất nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh tế, thu hút đầu tư được đẩy mạnh ngay sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Cùng với đó là nỗ lực thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án FDI, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý dự án sau đầu tư, qua đó tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn với doanh nghiệp FDI.

Đặc biệt, theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc chủ trương tăng cường mối liên kết, hợp tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành và thu hút nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Đến nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt đã tạo được mối liên kết, hợp tác, cung ứng thường xuyên một số sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực chế tạo, cơ khí...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư