Chính phủ Trung Quốc dự kiến thành lập một “siêu cơ quan” ngay trong năm nay nhằm ổn định thị trường và duy trì niềm tin của nhà đầu tư sau những hỗn loạn gần đây trên thị trường chứng khoán.
Kế hoạch được thảo luận nhiều nhất là sát nhập các cơ quan quản lý ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm thành một trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ được trao nhiều quyền lực hơn đối với nền kinh tế. Viễn cảnh tạo ra một tổ chức duy nhất giám sát hệ thống tài chính mà hiện nay bị chia ra làm ba đã làm các cơ quan trong ngành lo lắng và tìm cách trụ lại sau kế hoạch này.
Hệ thống phân tán
Trong năm qua, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách áp dụng một hệ thống tài chính mở hơn do nước này đang phải vật lộn với sự giảm tốc của nền kinh tế. Các cú sốc như đợt bán tháo chứng khoán trị giá 5 nghìn tỷ USD vào giữa năm trước, các scandal trong ngành tài chính, và việc hủy bỏ cơ chế ngắt mạch thị trường chứng khoán vào tháng 1 năm nay đã làm tăng áp lực lên các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ vẫn đang trong kéo dài đà mất giá kể từ tháng 12 năm ngoái.
Cơ chế phân tán của Trung Quốc đã dẫn đến việc nhiều cơ quan khác nhau lại cùng quản lý một lĩnh vực kinh doanh. Tài chính Internet là một ví dụ điển hình. Các quy định ban hành trong tháng 7 năm ngoái cho thấy PBOC sẽ giám sát thanh toán trực tuyến trong khi Ủy ban Ngân hàng Trung Quốc (CBRC) điều hành hoạt động cho vay, quỹ tín thác và tài chính tiêu dùng trên Internet. Cơ quan quản lý chứng khoán thì lại có trách nhiệm quản lý hoạt động mua bán chứng khoán trực tuyến.
Theo Wu Xiaoling, cựu phó thống đốc PBOC, sự cạnh tranh giữa các cơ quan này cũng dẫn đến việc quản lý yếu kém và tư duy địa phương chủ nghĩa. Ông là người ủng hộ cơ chế phối hợp chặt chẽ hơn đề ổn định hệ thống tài chính.
Các kế hoạch khác
Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc các lựa chọn khác. Có thể là tạo ra một siêu cơ quan quản lý cả Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC), CBRC và Ủy ban Bảo hiểm Trung Quốc (CIRC). Lựa chọn thứ ba là hợp nhất cả ba ủy ban này với PBOC. Các kế hoạch mới có thể được đệ trình ngay trong năm nay mặc dù quy trình triển khai có thể mất một vài năm.
Quốc vụ Viện, tức chính phủ Trung Quốc do thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm giám sát việc thành lập cơ quan mới. Các kế hoạch sẽ được đệ trình khi Quốc hội Trung Quốc khai mạc phiên họp thường niên kéo dài hai tuần vào 5/3 tới.
Đại phẫu
Frank Song, giáo sư tài chính ở Đại học Hồng Kông, cho biết sự sát nhập các cơ quan quản lý sẽ là một cuộc “đại phẫu” cho hệ thống tài chính. Ông cho rằng nếu không có một kế hoạch được suy tính kỹ lưỡng, sự thay đổi triệt để này có thể khơi mào cho một cuộc khủng hoảng thậm chí còn lớn hơn và làm tổn hại đến nền kinh tế.
Trong khi các cơ quan thuộc hệ thống tài chính đang tìm cách chống lại kể hoạch cải tổ trên, các quan chức của POBC đã kêu gọi trao cho ngân hàng này nhiều quyền lực hơn
Trong một bài báo trên tạp chí Caixin vào 23/2, Bu Yongxiang, nghiên cứu viên của PBOC cho rằng cơ quan này nên chịu trách nhiệm hoạch định chính sách tiền tệ và giám sát hệ thống tài chính. Hệ thống quản lý tài chính phân tán của Trung Quốc là nguyên nhân sâu xa gây ra sự hỗn loạn gần đây của thị trường.
Cựu thống đốc của PBOC cũng đồng ý với quan điểm trên. Bà đã đứng đầu một nghiên cứu cho thấy cơ chế quản lý manh mún hiện nay là nguyên nhân làm tăng hoạt động cho vay không chính thức ở các công ty tín thác, thị trường trực tuyến và chợ đen. Các hoạt động trên đã thổi phồng bong bóng thị trường chứng khoán và kích hoạt các đợt bán tháo sau đó.
Zhang Yuanzhong, một luật sư chuyên về kiện tụng trong lĩnh vực chứng khoán cho biết ông ủng hội ý tưởng hợp nhất cơ chế quản lý tài chính. Nhưng ông cảnh báo cơ quan hợp nhất này có thể có quá nhiều quyền lực và chi phối các nhân tố thị trường.