Triển vọng thị trường bất động sản 2017

(BĐT) - Thị trường bất động sản (BĐS) năm 2016 dù có những “rung lắc” nhất định do dòng vốn tín dụng bị siết lại cùng với nguy cơ mất cân bằng cung - cầu sản phẩm, nhưng vẫn thể hiện xu hướng hồi phục tích cực. 
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2017
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2017

Năm 2017, dù không đạt tốc độ phát triển “chóng mặt” như trong năm 2015, 2016 nhưng dự báo thị trường vẫn sẽ tiếp tục khả quan.

Duy trì ổn định về giá, giao dịch

Đầu tiên phải kể đến sự sôi động của thị trường tiếp tục được duy trì theo hướng ấm dần lên vào cuối năm và diễn ra ở hầu hết phân khúc. Cụ thể, theo số liệu của Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), trong tháng 10/2016, tại Hà Nội có khoảng 1.300 giao dịch (tăng 18,2% so với tháng 9). Còn tại TP.HCM, trong tháng 10 có khoảng 1.225 giao dịch (tăng 16,7% so với tháng 9). Trong tháng 11, sự sôi động này tiếp tục được duy trì và tính chung 11 tháng đầu năm, thị trường BĐS TP.HCM đạt khoảng 14.000 giao dịch, giảm hơn 10% so với năm 2015 (có 18.700 giao dịch); thị trường Hà Nội đạt khoảng 15.000 giao dịch.

Chia sẻ tại Lễ tổng kết năm 2016 vừa diễn ra cuối tuần qua, đại diện một sàn môi giới hàng đầu với hơn 1.000 nhân viên tại hai miền Bắc - Nam cho biết: “Diễn biến tại hai thị trường BĐS lớn nhất cả nước có sự khác biệt so với quy luật thông thường, đặc biệt là diễn biến năm 2016. Thị trường TP.HCM từng khá trầm lắng trong quý III do tâm lý e dè trước thông tin về các dự án thế chấp ngân hàng được công bố cũng như một số vụ việc người mua nhà có nguy cơ bị đẩy ra đường tại chung cư Harmona, Bảy Hiền… gây tác động xấu. Trong khi đó, các chủ đầu tư tại thị trường Hà Nội nhanh nhạy hơn trong việc tiếp thị đến khách hàng nên sức mua tốt hơn. Đó là chưa kể hàng chục dự án BĐS nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng, Phú Quốc… đều công bố hơn 80% khách mua đến từ Hà Nội”.

Trên bình diện cả nước, tồn kho BĐS tính đến cuối tháng 11/2016 còn khoảng 31.842 tỷ đồng, giảm 19.047 tỷ đồng so với năm 2015, trong đó, TP.HCM chỉ còn tồn kho 5.954 tỷ đồng, giảm 4.153 tỷ đồng so với năm 2015.

Bên cạnh đó, dù có những lo ngại nhất định về việc tín dụng cho BĐS bị siết lại, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06/2016/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh BĐS tăng từ 150% lên 200%; giảm tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 60% xuống 50% từ 1/1/2017 và xuống 40% từ 1/1/2018, nhưng luồng tiền từ hệ thống ngân hàng vẫn giải ngân tích cực cho thị trường BĐS. Các ngân hàng đều có các chương trình cho vay, hỗ trợ các dự án. Đặc biệt, các ngân hàng lớn không chỉ cho vay theo hình thức vay thế chấp trực tiếp cho bên phát triển dự án và bên mua sản phẩm, mà còn cam kết tham gia cho vay theo chương trình 10 - 20 năm.

Không chỉ nguồn vốn ngân hàng, thị trường BĐS còn được tiếp sức từ dòng tiền kiều hối và nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Lượng kiều hối tăng qua từng năm, năm 2014 đạt 12 tỷ USD, năm 2015 đạt 12,25 tỷ USD. Trong đó, khoảng 16-17% (khoảng 2 tỷ USD) là đổ vào lĩnh vực BĐS.

Còn theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2016, BĐS là lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn thứ 2 sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1,522 tỷ USD, chiếm 11% tổng số vốn FDI năm qua. 

Thị trường tiếp tục khả quan

Nhìn tổng thể thị trường, nếu có thể dùng từ “bình ổn” để nói về thanh khoản các dự án chung cư trung cao cấp; “sôi động” để nói về diễn biến thị trường đất nền, biệt thự, đặc biệt trong các tháng cuối năm; thì phải dùng từ “bùng nổ” để nói về BĐS nghỉ dưỡng.

Theo PGS. TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, với nền tảng tiếp tục phục hồi của năm 2016, có thể xây dựng 3 kịch bản cho thị trường BĐS trong năm 2017 là thị trường bùng nổ, thị trường tăng trưởng tiệm tiến ngoại suy theo xu hướng và thị trường suy giảm.

“Trong đó, kịch bản thứ hai dễ xảy ra nhất. Trong bối cảnh hiện nay, đây là kịch bản được mong đợi nhất”, ông Chung nói và cho rằng, các giả thiết để kịch bản này xảy ra có nhiều, nhưng tựu trung lại là thế giới không có đột biến, kinh tế vĩ mô ổn định.

Cụ thể, tác động của Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu) và những thay đổi chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử không gây ra những diễn biến cực đoan; tình hình Biển Đông ổn định; các luồng tiền vẫn vận hành vào một cách ổn định; các chương trình kinh tế vĩ mô được triển khai trong thực tiễn nhưng cũng không có đột phá lớn. Khi đó, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển tốt, nhưng không quá đột biến. Các diễn biến về giao dịch, về giá, về sản phẩm dịch chuyển một cách tiệm tiến, bình ổn.

Trong khi đó, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc Điều hành Savills Việt Nam lại lạc quan hơn khi cho rằng, dẫu không đạt kế hoạch đề ra nhưng tăng trưởng GDP năm 2016 của Việt Nam vẫn ở mức rất cao, tầng lớp trung lưu tăng mạnh sẽ là tiền đề cho sự phát triển của thị trường BĐS trong trung hạn.

“Việt Nam đang ở trong giai đoạn thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế. Điều này, cùng với những cải cách chính sách theo hướng cởi mở và minh bạch hơn sẽ giúp thị trường BĐS tiếp tục hoạt động tốt trong năm 2017, dù không đạt tốc độ “chóng mặt” như trong năm 2015 - 2016”, vị chuyên gia đến từ Savills Việt Nam khẳng định.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư