Trả giá đắt vì coi nhẹ việc tham dự thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Lâu nay, nhiều nhà thầu vẫn coi nhẹ, thiếu nghiêm túc khi tham dự thầu. Chỉ đến khi bị chủ đầu tư (CĐT) công bố vi phạm về uy tín thì nhiều nhà thầu mới giật mình, tá hỏa lo ngại ảnh hưởng đến thương hiệu và phải nộp gấp 3 lần bảo đảm dự thầu khi tham dự các gói thầu sau.
Nhà thầu trúng Gói thầu số 05 Thi công xây dựng thuộc Dự án Trường THCS Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) từ chối ký hợp đồng vì không còn thấy hiệu quả. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhà thầu trúng Gói thầu số 05 Thi công xây dựng thuộc Dự án Trường THCS Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) từ chối ký hợp đồng vì không còn thấy hiệu quả. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Từ khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực thi hành (ngày 1/1/2024) đến nay, hàng chục nhà thầu vi phạm về uy tín khi tham dự thầu đã được các CĐT công bố trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Ngày 16/7/2024, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải thông báo Công ty CP Sức khoẻ và Môi trường Hà Nội vi phạm về uy tín khi tham dự thầu. Được lựa chọn trúng Gói thầu số 1 Khám sức khỏe định kỳ năm 2024 thuộc dự toán cùng tên nhưng Công ty CP Sức khoẻ và Môi trường Hà Nội không tiến hành ký kết hợp đồng. Hành vi này được xác định vào ngày 15/7/2024. Hệ quả là CĐT phải ra quyết định hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại.

Ngày 9/7/2024, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) xác định, 2 thành viên thuộc Liên danh Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Quảng Ninh - Công ty CP Thiết bị phòng cháy chữa cháy (PCCC) Quảng Ninh đã có hành vi không đảm bảo uy tín (từ chối ký hợp đồng) khi tham dự Gói thầu số 05 Thi công xây dựng công trình (giá dự toán 11,208 tỷ đồng) thuộc Dự án Trường THCS Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, hạng mục nhà hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ.

Lý giải việc từ chối ký hợp đồng, Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Quảng Ninh cho biết là “không còn thấy hiệu quả”. Cụ thể, sau khi nhận được thông báo trúng thầu, Liên danh Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị Quảng Ninh - Công ty CP Thiết bị PCCC Quảng Ninh tổ chức khảo sát hiện trường công trình cũng như khu vực liên quan và tìm hiểu mọi thông tin cần thiết thì xét thấy không có tính hiệu quả khi thực hiện Gói thầu nên đã từ chối ký hợp đồng. Nhà thầu còn nêu một lý do khác nữa là “đang tham dự và triển khai thi công nhiều gói thầu khác cùng thời điểm”.

Tham dự Gói thầu Mua sắm hàng hóa chi phụ cấp độc hại bằng hiện vật cho viên chức, người lao động tại Bệnh viện Phú Nhuận (TP.HCM) năm 2024, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ sản xuất vị ngọt Happy bị Bệnh viện cho vào “danh sách đen” về uy tín do không đến đối chiếu tài liệu, cũng không có bất kỳ thông báo nào gửi tới Bên mời thầu, dù đã nhận được thư mời. Nhà thầu phải “lãnh án phạt” trong 2 năm kể từ ngày 11/7/2024.

Không chỉ bị “bêu” tên, các nhà thầu thiếu nghiêm túc trong tham dự thầu còn phải gánh thêm khoản chi phí là giá trị bảo đảm dự thầu cao gấp 3 lần giá trị yêu cầu đối với nhà thầu khác trong thời hạn 2 năm khi tham dự các gói thầu sau.

Trước những thông tin công khai vi phạm nêu trên, nhiều nhà thầu tỏ ra ngạc nhiên và cho biết chưa nắm được quy định mới của Luật Đấu thầu năm 2023 về trách nhiệm công bố thông tin nhà thầu vi phạm uy tín của các CĐT, đồng thời lo ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín, thương hiệu của nhà thầu, giảm cơ hội trúng thầu, ít nhất là trong vòng 2 năm tới.

Một số CĐT chia sẻ, trong trường hợp không ký được hợp đồng, nếu có nhà thầu xếp hạng thứ hai để lựa chọn trúng thầu thay thế thì còn may mắn, nếu không thì CĐT phải hủy thầu để tổ chức đấu thầu lại, đây là áp lực rất lớn trong bối cảnh đốc thúc tiến độ đầu tư công, gia tăng trách nhiệm lên người đứng đầu.

Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp công khai thông tin là rất cần thiết để chấn chỉnh những nhà thầu không coi trọng uy tín khi tham dự thầu, coi như một cuộc dạo chơi mà không phải chịu trách nhiệm gì. Đây là bài học được đánh đổi bằng “đồng tiền bát gạo”, nên mỗi nhà thầu cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Mặt khác, theo một chuyên gia đấu thầu, khi đưa ra bất kỳ quyết định xử phạt nào, CĐT cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng, “thấu tình đạt lý” bằng cách trao đổi với nhà thầu để tìm giải pháp khắc phục hoặc có sự thống nhất về phương án xử lý, tránh áp đặt một chiều cho nhà thầu. Thực tế có những tình huống không phải do lỗi chủ quan của nhà thầu, mà do chịu tác động của các yếu tố khách quan như tái cấu trúc doanh nghiệp làm thay đổi phương án dự thầu…

Chuyên đề