Gói thầu xây kè tại Gò Quao (Kiên Giang): Bất thường tiêu chí kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian gần đây, nhiều gói thầu xây lắp bị phản ánh về một số tiêu chí bất cập của hồ sơ mời thầu (HSMT), trong đó có yêu cầu về số lượng, năng lực và kinh nghiệm của công nhân, lao động phổ thông, gây hạn chế cạnh tranh. Báo Đấu thầu ghi nhận phản ánh tương tự tại Gói thầu số 1 Xây dựng mới thuộc Dự án Kè chống sạt lở Kênh Tắc - Cây Trâm, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
Công ty TNHH MTV Tân NPH có kiến nghị cho biết, HSMT bộc lộ bất cập khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, trong đó bao hàm yêu cầu về nhân sự không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Công ty TNHH MTV Tân NPH có kiến nghị cho biết, HSMT bộc lộ bất cập khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, trong đó bao hàm yêu cầu về nhân sự không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 50,535 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 8 - 26/10/2024, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gò Quao làm chủ đầu tư, Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông số 10 làm bên mời thầu.

Ngày 10/10/2024, Công ty TNHH MTV Tân NPH (trụ sở tại Hậu Giang) có kiến nghị cho biết, HSMT bộc lộ bất cập khi xây dựng tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, trong đó bao hàm yêu cầu về nhân sự không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành về đấu thầu. Cụ thể, tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại Chương III của HSMT yêu cầu (áp dụng phương pháp đánh giá đạt/không đạt), nhà thầu đề xuất danh sách ít nhất 50 công nhân có trình độ bậc nghề 3/7 trở lên liên quan đến xây dựng công trình (không bao gồm các nhân sự chủ chốt), trong đó nêu rõ trình độ ngành nghề, phải có cam kết và xác nhận của nhà thầu; đề xuất ít nhất 1 thợ lặn thi công, tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên chuyên ngành lặn thi công (nhà thầu chứng minh bằng cách kèm theo bản scan sao y chứng thực hoặc scan gốc bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trở lên; chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu và tài liệu chứng minh sẵn sàng huy động).

Do đó, việc HSMT đưa ra các yêu cầu ràng buộc số lượng cũng như tiêu chuẩn về năng lực, kinh nghiệm đối với các vị trí công nhân, lao động phổ thông và đánh giá theo phương pháp đạt/không đạt là làm khó nhà thầu. “Đối với công việc đang mời thầu, đội ngũ trực tiếp thi công chỉ cần công nhân, lao động phổ thông có chứng chỉ sơ cấp nghề là bảo đảm năng lực thực hiện, đồng thời, tạo được công ăn việc làm cho người dân trong vùng dự án. Còn các vị trí quản lý, chỉ huy mà pháp luật xây dựng có quy định về tiêu chuẩn chức danh, nhà thầu đã đề xuất trong nội dung đánh giá về nhân sự chủ chốt. Do đó, yêu cầu như HSMT là bất thường, có tính chất hạn chế nhà thầu tham gia”, một nhà thầu nhận định.

Cũng theo phản ánh, HSMT yêu cầu vị trí “cán bộ phụ trách an toàn lao động” có “trình độ đại học trở lên chuyên ngành bảo hộ lao động hoặc an toàn lao động” là bó hẹp sự tham gia của nhà thầu. Bởi, khoản 5 Điều 13 Nghị định 06/2021/NĐ-CP quy định, “Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của nhà thầu thi công xây dựng phải được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động”. Theo quy định này, nhân sự phụ trách an toàn lao động của nhà thầu có thể tốt nghiệp các chuyên ngành khác theo quy định và không nhất thiết phải có trình độ đại học trở lên.

Về thiết bị, nhà thầu phản ánh HSMT yêu cầu một số loại máy móc không phù hợp với hiện trạng vùng dự án. Ví dụ như “máy đào dung tích gầu ≥ 1,25m3”, tương đương trọng lượng 31 tấn là rất lớn và nhiều khả năng sẽ không thể thi công tại vùng đất yếu thuộc Dự án. Hoặc đối với yêu cầu “máy ủi công suất ≥ 110CV”, nhà thầu chỉ ra rằng, đây là các loại máy ủi có trọng lượng lên đến 10 tấn, không thể sử dụng trên nền đất yếu của vùng Dự án là Đồng bằng sông Cửu Long...

Trả lời phỏng vấn Báo Đấu thầu, đại diện Bên mời thầu cho biết, đang rà soát và trình Chủ đầu tư nội dung phúc đáp theo hướng tiếp thu có chọn lọc ý kiến của các nhà thầu, trên tinh thần cầu thị và tuân thủ pháp luật về đấu thầu, pháp luật chuyên ngành liên quan.

Liên quan đến tiêu chí về thiết bị, một số nhà thầu xây lắp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, trên thực tế, thiết bị máy đào dung tích gầu ≥ 1,25m3 hay máy ủi công suất ≥ 110CV là những chủng loại thiết bị có công suất lớn, chỉ khả thi tại một số dự án trong khu vực có điều kiện địa hình lớp cát dày.

Chuyên gia đấu thầu cho biết, theo quy định của pháp luật về xây dựng, công nhân kỹ thuật, lao động phổ thông không phải nhân sự chủ chốt của gói thầu xây lắp. “Trên thực tế, công nhân, lao động phổ thông là những nhân sự thực hiện các công việc không phức tạp trong gói thầu. Trong quá trình thực hiện, nhà thầu chịu trách nhiệm huy động, thay đổi, bổ sung trên cơ sở biện pháp kỹ thuật thi công được đề xuất trong hồ sơ dự thầu. Trường hợp HSMT đưa ra số lượng quá mức cần thiết cùng với việc yêu cầu cụ thể về bằng cấp, chứng chỉ, tài liệu chứng minh của công nhân kỹ thuật có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh”, vị chuyên gia bình luận.

Chuyên đề