TP.HCM định hình trung tâm trung chuyển Cần Giờ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Liên danh tư vấn rốt ráo hoàn thiện. Tại dự thảo lần 2 báo cáo tổng hợp giữa kỳ Quy hoạch, một điểm đáng chú ý trong phương hướng phát triển ngành là kinh tế biển, hé mở những định hướng trọng yếu liên quan đến định vị TP.HCM trở thành trung tâm trung chuyển mới, hàng đầu khu vực gắn với ý tưởng phát triển “siêu” Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là hạt nhân trong hoạch định phát triển kinh tế biển của TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là hạt nhân trong hoạch định phát triển kinh tế biển của TP.HCM. Ảnh: Ngọc Dương

Cụ thể, TP.HCM hoạch định tạo nên một cụm hoạt động sáng tạo liên quan đến trung tâm trung chuyển hàng đầu và nền kinh tế biển hiện đại. Ý tưởng này tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng công nghệ để giải quyết các bài toán về chi phí trung gian trong nền kinh tế, kết nối các cá thể trong nền kinh tế thông qua nền tảng công nghệ. Trong tương lai, kinh tế biển TP.HCM dựa trên 3 định vị chủ đạo gồm: trung tâm trung chuyển mới của khu vực; điểm du lịch sinh thái biển gắn với khu dự trữ sinh quyển độc đáo và đáng sống; đô thị ven biển đáng sống, bền vững.

Theo Roland Berger, thành viên Liên danh tư vấn lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định vị phát triển TP.HCM trở thành "trung tâm kinh tế biển hiện đại và đổi mới của Việt Nam và khu vực" là một cam kết vững chắc trong việc định hình một tương lai thịnh vượng, hấp dẫn. Để hiện thực hóa, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng một cảng trung chuyển quy mô xứng tầm khu vực cùng các trung tâm logistics quy mô lớn, kết nối đa phương thức. Cảng trung chuyển mới đang được nghiên cứu xây dựng tại khu vực biển Cần Giờ với tổng diện tích khoảng 600 ha, có khả năng tiếp nhận các tàu container lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ xây dựng các trung tâm logistics quy mô lớn, kết nối đa phương thức bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không, tạo nên một hệ thống vận chuyển mạnh mẽ, hỗ trợ tốt giao thương, xuất nhập khẩu trong khu vực và toàn cầu.

Song song với lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP.HCM đang lập Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với tổng vốn đầu tư gần 129.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD) do Tập đoàn MSC (Mediterranean Shipping Company S.A) đề xuất đầu tư. Trong quá trình lập Đề án, TP.HCM đã tính toán các cơ chế, chính sách trong lựa chọn nhà đầu tư, ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Bên cạnh “hạt nhân” cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, trong Quy hoạch, TP.HCM dự định hình thành một khu thương mại tự do hoặc khu kinh tế (KKT) ven biển trong khuôn khổ của RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực). Tại đây, thương mại và xuất khẩu có thể phát triển tự do, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ.

Cũng theo dự thảo báo cáo tổng hợp giữa kỳ Quy hoạch Thành phố, bên cạnh khu thương mại tự do, KKT ven biển, TP.HCM hướng tới xây dựng các trung tâm sản xuất hiện đại, nơi thu hút các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới với mô hình sử dụng công nghệ xanh, bền vững. Sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất sẽ giúp giữ vững vị thế cho TP.HCM trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Theo phân tích của Liên danh tư vấn lập quy hoạch, TP.HCM sẽ phát triển hệ sinh thái cảng biển, logistics sôi động, dựa trên vai trò của cảng trung chuyển khu vực và sự hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp hàng hải.

Trung tâm trung chuyển mới nhằm thúc đẩy vận chuyển, kinh doanh xanh hơn bao gồm 4 đặc điểm. Thứ nhất, áp dụng các công nghệ thông minh, tích hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành và kết nối các cơ sở hạ tầng cảng biển, logistics. Ngoài ra, Thành phố sẽ xây dựng các khu công nghệ cao, khu khởi nghiệp, khu đổi mới liên quan đến cảng biển và logistics để thu hút các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới. Thứ hai, tăng cường năng suất lao động, sản lượng và chất lượng các hoạt động cảng biển, logistics. Thứ ba, TP.HCM sẽ phát triển cảng biển và logistics theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường và xã hội. Các nguồn năng lượng tái tạo, công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải nhà kính, ô nhiễm môi trường trong các hoạt động cảng biển và logistics sẽ được ưu tiên sử dụng. Thứ tư, phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan đến cảng biển và logistics để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ độc đáo và hấp dẫn. Theo đó, các khu văn hóa, nghệ thuật, thể thao, giải trí liên quan đến cảng biển và logistics, tạo ra các trải nghiệm mới mẻ, khác biệt sẽ được xây dựng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng tính cạnh tranh cho cảng trung chuyển, ngoài việc đầu tư xây dựng hạ tầng, theo đơn vị tư vấn, TP.HCM cần các chính sách thu hút thêm hãng tàu quốc tế mở văn phòng tại đây. Theo đó, có 7 nhóm giải pháp được đưa ra nhằm tăng tính kết nối và năng lực cạnh tranh cho cảng trung chuyển. Trong đó, tăng liên kết mạng lưới kết nối tuyến vận chuyển hàng hóa nội địa và trung chuyển với các tuyến quốc tế có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của cảng và mở cửa cho thị trường nước ngoài. Duy trì sự kết nối và cạnh tranh bằng cách theo dõi và thích ứng với các thay đổi trong mạng lưới vận tải biển toàn cầu…

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết, Bộ Giao thông vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để cập nhật cảng Cần Giờ thành cảng trung chuyển quốc tế. Sau khi được phê duyệt, TP.HCM sẽ có cơ sở triển khai Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Chuyên đề