Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Làm nhanh và chắc từng khâu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vẫn còn nhiều yếu tố làm chậm quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực tháo gỡ các trở ngại, thực hiện nhanh và chặt chẽ từng khâu trong quá trình từ xây dựng chủ trương đầu tư đến lựa chọn nhà thầu. Đồng thời, rà soát và giao chi tiết ngay kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng giải ngân trong năm 2020 đối với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung.
Tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân đến 31/8/2020 ước đạt 221.774,1 tỷ đồng, bằng 47% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên
Tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân đến 31/8/2020 ước đạt 221.774,1 tỷ đồng, bằng 47% so với kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh: Lê Tiên

Khó nhiều phía

Bộ Tài chính cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng có chuyển biến tích cực. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã giải ngân đến 31/8/2020 ước đạt 221.774,1 tỷ đồng, bằng 47% so với kế hoạch Thủ tướng giao đầu năm (471.032,733 tỷ đồng).

Theo cơ quan này, giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân, song phần lớn xuất phát từ việc chuẩn bị các điều kiện triển khai dự án chưa kỹ càng, tính chủ động, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án còn thấp…

Về cơ chế chính sách, Nghị định 68/2020/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có một số quy định mới về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, sử dụng chi phí dự phòng của dự án, ban hành đơn giá… chưa được hướng dẫn cụ thể. Chính phủ phải ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 17/7/2020 tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định 68/2020/NĐ-CP dẫn đến các bộ, ngành, địa phương và các chủ đầu tư gặp khó khăn trong triển khai những tháng đầu năm.

Mặt khác, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn có vướng mắc, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng khi triển khai dự án.

Chia sẻ thêm về điều này, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, công tác lập, công khai và phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian bởi có nhiều vướng mắc phát sinh từ việc kiểm đếm, thống kê đến xác định đối tượng, khối lượng, giá trị đền bù hỗ trợ. Không có mặt bằng thi công thì không thể có khối lượng công việc hoàn thành để giải ngân vốn đầu tư đã phân bổ.

Về tổ chức thực hiện, theo Bộ Tài chính, việc triển khai các quy định sau khi được giao vốn làm chậm giải ngân, kế hoạch vốn xây dựng không sát với khả năng giải ngân trong năm. Chẳng hạn, Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành mới giải ngân 2.190,299 tỷ đồng/18.195,035 tỷ đồng, đạt 12,7% do vướng mắc trong xác định nguồn gốc đất, áp dụng khung giá đất bồi thường, phê duyệt đơn giá cấu phần có xây dựng…

Chủ động rà soát và điều chỉnh

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để nắm sát và thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh các điểm hạn chế nêu trên, còn có tình trạng không đồng đều giữa các địa phương trong việc giao vốn đầu tư công cho từng dự án, có địa phương triển khai ngay và giao xong trong tháng 1, trong khi một số địa phương đến ngày 21/9 vẫn chưa giao hết vốn. Điểm bất cập này cần tiếp tục nghiên cứu để rút kinh nghiệm và khắc phục trong thời gian tới.

Mặt khác, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, một dự án từ lúc hình thành ý tưởng, thu xếp được vốn đến khi nhà thầu bắt tay thi công phải qua nhiều bước với thời gian kéo dài. Thời gian này bình quân với dự án nhóm C là khoảng 1 năm, với dự án nhóm B là khoảng 2 năm, với dự án nhóm A còn dài hơn.

“Điều đó cho thấy, nếu không làm sớm và chắc các bước thì chuyện giải ngân là vấn đề lớn. Trong nhiều trường hợp, tiền đã có sẵn nhưng vì các bước thủ tục của dự án chưa bảo đảm nên không thể giải ngân theo kế hoạch”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương chia sẻ.

Từ phía địa phương, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho rằng, cần cải thiện các điều kiện pháp lý theo hướng thuận lợi hơn. “Bên cạnh việc tháo gỡ các trở ngại về pháp lý, việc điều chỉnh chính sách (nếu có) cần thực hiện từ đầu năm. Không nên để tình trạng các địa phương đã thực hiện theo quy định hiện hành thì giữa năm lại phải thay đổi theo quy định mới. Việc điều chỉnh nhiều nội dung sẽ làm chậm quá trình thực hiện”, ông Dũng nói.

Từ phía cơ quan theo dõi việc giải ngân, Bộ Tài chính đề xuất các cơ quan, đơn vị có dự án đầu tư từ nguồn vốn NSNN cần tích cực, chủ động rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020 và báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2019 kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Thực hiện rà soát và giao chi tiết ngay kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng giải ngân trong năm 2020 đối với kế hoạch vốn được cấp có thẩm quyền điều chỉnh bổ sung, làm cơ sở để triển khai thực hiện.

Chuyên đề