Quyết liệt giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Tại sao tình trạng có nơi làm tốt, có nơi hầu như không giải ngân được, do công tác chuẩn bị đầu tư hay người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc, hay nhà đầu tư, cán bộ quản lý, ban quản lý yếu kém?”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề và nêu rõ sẽ cương quyết có chế tài xử lý những đơn vị chậm giải ngân. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc lại tinh thần giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Quyết liệt giải ngân hết vốn đầu tư công năm 2020

Kiên quyết xử lý trách nhiệm cá nhân

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều cách làm mới, quyết tâm mới như việc lãnh đạo cao nhất của địa phương đi từng công trình, nhiều tỉnh ủy, thành ủy ban hành nghị quyết, nêu cao vai trò của hệ thống chính trị, đặc biệt vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên giao ban, đôn đốc rồi chuyển vốn, chuyển chủ đầu tư… Cùng với đó, đưa ra những chế tài rất mạnh như làm chậm thì không được tham gia đấu thầu công trình và không tham gia làm chủ đầu tư các công trình tiếp theo. Nhiều bộ không tiêu hết tiền đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chuyển vốn cho các công trình dở dang.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), sau Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về giải ngân đầu tư công diễn ra tháng 7, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nhiều chuyển biến tích cực về kết quả giải ngân. Ước giải ngân đến 31/8/2020 là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,39%). Có 5 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%.

Tuy vậy, còn 29 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, trong đó, có 15 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%.

Trước thực tế chênh lệch giải ngân rất lớn giữa các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng nêu rõ, phải xác định do công tác chuẩn bị đầu tư hay người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc, hay nhà đầu tư, cán bộ quản lý, ban quản lý yếu kém, không thể để có tiền mà không tiêu được do chủ quan hay tổ chức thực hiện yếu kém. “Các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao. Ai, tổ chức nào, cá nhân nào làm chậm thì phải kỷ luật nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.

Quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp

Chỉ còn hơn 4 tháng là kết thúc năm 2020, nhiệm vụ giải ngân hết trên 55% số vốn đầu tư còn lại (khoảng 350.000 tỷ đồng) được đánh giá là rất nặng nề.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 diễn ra vào cuối tuần qua, lãnh đạo nhiều địa phương khẳng định quyết tâm hoàn thành cao nhất giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thúc đẩy và giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, quan trọng. Do đó, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương bên cạnh việc tập trung tổ chức công tác chuẩn bị đại hội các cấp, cần xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19 là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, trong đó đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt.

Bộ KH&ĐT cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp để tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Bộ đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp kịp thời với các bộ và cơ quan chuyên ngành liên quan tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải ngân, giải phóng mặt bằng, đáp ứng yêu cầu về tiến độ thi công của các chương trình, dự án. Chỉ đạo chủ đầu tư đẩy mạnh tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả trong quá trình thực hiện.

Bộ Tài chính đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm soát chi, xử lý đơn rút vốn tại Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để rút ngắn thời gian, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT sẽ báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020 kết quả và tình hình phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020 giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019 đến hết ngày 31/12/2020.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư