Khoảng cách từ trạm thu phí của dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 tỉnh Quảng Bình (BOT) đến trạm thu phí Hầm Đèo Ngang chỉ là 10km. |
Tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 báo cáo Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vấn đề đáng chú ý đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, BOT.
Cụ thể, do quy định về cách xác định lưu lượng phương tiện qua trạm thu phí và chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ dẫn đến việc xác định một số chỉ tiêu trong phương án tài chính của các nhà đầu tư chỉ dựa trên kết quả khảo sát thực tế ngắn ngày của đơn vị tư vấn nên khó xác định được tính đúng đắn của phương án tài chính.
Như dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 tỉnh Quảng Bình (được thực hiện theo hình thức BOT), kết quả kiểm toán cho thấy việc xác định chỉ tiêu lưu lượng phương tiện xe qua trạm thu phí chỉ căn cứ theo kết quả khảo sát thực tế 2 ngày của đơn vị tư vấn.
Cũng khó xác định được tính đúng đắn của phương án tài chính là các dự án mà chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ tham khảo các hợp đồng tương tự đã thực hiện. Như, chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đối với dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí - thành phố Hạ Long (BOT) và Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+00 đến Km123+105,17 trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng (BT).
Kiểm toán Nhà nước còn chỉ ra một số dự án tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên tổng vốn đầu tư thấp hơn cam kết. Cụ thể là nhà đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn thị xã Uông Bí - thành phố Hạ Long (BOT). Dự án thành phần 1 của dự án đường trục chính và hạ tầng khu Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo (BT). Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+00 đến Km123+105,17 trên địa phận hai tỉnh Đồng Nai và tỉnh Lâm Đồng (BT).
Khoảng cách giữa các trạm thu phí chưa hợp lý, theo Kiểm toán Nhà nước cũng cần phải được chấn chỉnh, khắc phục.
Ví dụ được nêu tại báo cáo là khoảng cách từ trạm thu phí của dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549 - Km605+000 và đoạn Km617+000 - Km641+000 tỉnh Quảng Bình (BOT) đến trạm thu phí Hầm Đèo Ngang chỉ là 10km.
Gánh nặng từ phí BOT cũng là vấn đề được đặt lên bàn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần đây nhất.
Thẩm tra sơ bộ tình hình thu chi ngân sách từ đầu năm đến nay, Ủy ban Tài chính - Ngân sách phản ánh, nhiều tuyến đường duy nhất được các bộ, ngành cho phép thực hiện dự án BOT để tổ chức thu phí, mà người dân không có phương án lựa chọn.
Điều đó đã gây bức xúc và tạo gánh nặng lớn cho người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh trong nước, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã đề nghị Chính phủ cần rà soát, chấn chỉnh nội dung này, báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện tất cả các dự án BOT.
Đồng thời, cần làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong triển khai, quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, điều chỉnh hợp lý biểu phí sử dụng dịch vụ, để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Thừa nhận là đang có nhiều ý kiến về BOT, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Chính phủ đang tập trung yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, đánh giá tổng thể các dự án.
Cũng tại phiên họp đó, khi bàn về dự kiến giám sát tối cao của năm sau, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một trong những nhóm vấn đề nổi lên qua 187 kiến nghị liên quan đến giám sát của Quốc hội là việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Một trong 6 chuyên đề được Tổng thư ký đề xuất giám sát trong năm sau chính là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.
Và một trong những tiêu chí để lựa chọn chuyên đề giám sát là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, gắn với công tác xây dựng pháp luật.
Qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý chọn chuyên đề nói trên để giám sát trong năm 2017.