Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Vẫn sôi động trong năm 2020?

(BĐT) - Công ty CP Chứng khoán VnDirect nhận định, việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trong năm 2020 sẽ gặp nhiều trở ngại hơn. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng trái phiếu doanh nghiệp BĐS thời gian tới sẽ vẫn nở rộ nhờ lãi suất hấp dẫn...
Trong năm 2019, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành đạt 106,5 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên
Trong năm 2019, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp bất động sản phát hành đạt 106,5 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên

Tạm thời hạ nhiệt?

Các chuyên gia của VnDirect đánh giá, thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS trong năm 2019, giữa bối cảnh các ngân hàng thắt chặt dòng vốn kinh doanh lĩnh vực này.

VnDirect cho rằng, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp BĐS trong năm 2020 sẽ gặp nhiều trở ngại.

Nhà nước tiếp tục tăng cường giám sát hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay. Trước đó, quý III/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo các ngân hàng thương mại (NHTM) không được mua trái phiếu của các doanh nghiệp nhằm mục đích cơ cấu nợ vay. Động thái này sẽ tác động đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2020 do đối tượng người mua là các NHTM chiếm đến 32,4% tổng lượng phát hành.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã cảnh báo rủi ro vỡ nợ đối với trái phiếu doanh nghiệp có lãi suất quá cao, khoảng 15-20%/năm, cao hơn nhiều so với mức bình quân của thị trường là 10%-11%/năm.

“Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tạm hạ nhiệt trong năm 2020 sau khi các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều đến khả năng trả nợ của đối tượng phát hành. Nhìn chung, chúng tôi lo ngại các công ty kinh doanh BĐS sẽ gặp nhiều trở ngại hơn khi tìm kiếm quỹ đất cũng như mở bán dự án. Chỉ có những chủ đầu tư với tiềm lực tài chính mạnh, đòn bẩy tài chính thấp hay các chủ đầu tư nước ngoài có thể miễn nhiễm với sóng gió trên", nhóm chuyên gia của VnDirect nhận định. 

Cẩn trọng rủi ro trái phiếu

Không cùng chung nhận định, nhóm chuyên gia nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, trái phiếu doanh nghiệp BĐS thời gian tới sẽ vẫn nở rộ nhờ lãi suất hấp dẫn, kỳ trả lãi ngắn và nhu cầu phát hành cao. Tuy nhiên, theo SSI, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro nên các cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát để bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường.

Bộ phận nghiên cứu tại SSI cho biết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp BĐS phát hành trong năm 2019 là 106,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường và chỉ xếp sau nhóm ngân hàng. Kỳ hạn bình quân của nhóm này là 3,7 năm với lãi suất bình quân là 10,3%/năm - cao nhất thị trường nếu loại trừ lô phát hành trái phiếu lãi suất 20%/năm của Công ty CP Đầu tư thương mại Hồng Hoàng.

Trong năm 2019, nhà đầu tư cá nhân mua gần 11 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp BĐS, còn lại là các nhà đầu tư tổ chức. Trong đó, các NHTM mua 19,1 nghìn tỷ đồng, các công ty chứng khoán mua 4,4 nghìn tỷ đồng và tổ chức nước ngoài mua 1,66 nghìn tỷ đồng trái phiếu.

Theo SSI, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã trải qua năm 2019 phát triển sôi động. Thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường vốn nói chung được định hướng phát triển thành kênh huy động vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, thay thế dần cho kênh tín dụng. Song, thực tế các NHTM lại là tổ chức phát hành lớn nhất, trong đó gần 70% trái phiếu kỳ hạn ngắn nhưng lại có lãi suất thấp.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chia nhỏ các đợt phát hành để chào bán riêng lẻ, nhờ đó không phải thực hiện các nghĩa vụ về công bố thông tin. Thông tin công bố thường thiếu chi tiết về mục đích sử dụng vốn trái phiếu, tình hình tài chính của doanh nghiệp trước và dự kiến sau phát hành…

Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Bộ phận Tư vấn của Savills Hà Nội nhận định, lãi suất trái phiếu cao mà một số doanh nghiệp đưa ra sẽ gây rủi ro lớn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng chung cho cả thị trường. Tuy nhiên, phải nhìn kỹ lại xem những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất cao như vậy thì ai là người mua, việc mua bán có thực chất hay không?

Chuyên đề