Thị trường địa ốc: Nhận diện cơ hội mới

Năm 2015 là năm kết thúc giai đoạn tích tụ “bong bóng” và “xì hơi bong bóng” của thị trường bất động sản Việt Nam với nhiều dấu hiệu tích cực về giao dịch, chuyển dịch giữa các phân khúc, giải quyết tồn kho, tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng, tín dụng bất động sản…
Thị trường địa ốc: Nhận diện cơ hội mới

Nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều có chung nhận định rằng thị trường bất động sản Việt Nam trong năm 2016 sẽ tiếp tục có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển, nhất là tác động từ làn gió mới chính sách, các hiệp định thương mại tự do được ký kết, có hiệu lực…

Còn theo một báo cáo của Quỹ đầu tư VinaCapital, năm 2016 đánh dấu cho giai đoạn bùng nổ của thị trường, sau khi chấm dứt giai đoạn phục hồi từ giữa năm 2014 đến cuối năm vừa qua.

Có thể nói, sự phục hồi của thị trường bất động sản năm qua thể hiện trên mọi phân khúc. Nguyên nhân giúp thị trường hồi phục, ngoài nhờ chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô, không thể không kể đến tác động từ các chính sách hỗ trợ, cũng như tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho thị trường phát triển.

"Thành công lớn nhất giúp cho thị trường BĐS của chúng ta nhanh chóng thoát đáy chính là vào đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, trong đó có lĩnh vực bất động sản.

Để thực hiện Nghị quyết 01/2013, nhiều chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản đã được các bộ, ngành ban hành, như gói 30.000 tỷ đồng, cho phép chia nhỏ căn hộ, thay đổi công năng của dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội…", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, nhận định trong cuộc trao đổi với chung tôi trong ngày mùng 2 Tết nguyên đán.

Trao đổi với chúng tôi dịp đầu Xuân Bính Thân, GS. Đặng Hùng Võ nhận định thị trường BĐS 2015 đã có sự khởi sắc, sức nóng trên thị trường đến từ cú hích gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng, tập trung phân khúc nhà ở giá thấp. Với đà khởi sắc này thị trường năm 2016, điểm nóng sẽ tập trung phân khúc nhà ở trung và cao cấp, mang lại sự phát triển bền vững cho thị trường.

Dưới góc nhìn của một nhà tư vấn nước ngoài, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Jones Lang LaSalle Vietnam cho biết, thị trường BĐS Việt Nam đã qua thời kỳ suy thoái, bước vào giai đoạn phát triển và niềm tin thị trường đã trở lại, giá bất động sản tại Tp. HCM hay Hà Nội đã bắt đầu tăng trở lại. Đây là yếu tố để thúc đẩy nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường thông qua các hoạt động mua bán - sáp nhập hoặc chuyển nhượng dự án.

Cùng quan điểm trên, GS. Võ cho biết thêm hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án sẽ trở nên sôi động hơn trong năm 2016 khi nhiều chủ đầu tư dự án hiện đang thiếu vốn, không biết tìm vốn ở đâu, buộc họ phải chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án. Các nhà đầu tư mạnh về năng lực tài chính sẽ có cơ hội sở hữu các dự án tiềm năng với giá cả hợp lý.

Cũng theo GS. Võ việc gia tăng giao dịch, chuyển nhượng dự án nhiều là biểu hiện của một thị trường tốt. Vấn đề là Nhà nước phải đảm bảo để không xảy ra rủi ro trong mọi giao dịch. Hoạt động chuyển nhượng càng nhiều, nguồn thu thuế càng tăng sẽ tốt cho nguồn thu ngân sách.

Và hoạt động mua bán, chuyển nhượng dự án BĐS còn góp phần thanh lọc, giúp thị trường dần trở nên chuyên nghiệp hơn với những chủ đầu tư có đủ năng lực cạnh tranh. Đó là xu hướng mua bán, chuyển nhượng dự án BĐS trong năm 2016.

Nhận định về triển vọng thị trường, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn thuộc công ty CBRE Việt Nam, cho biết mặc dù giá cao, các dự án vẫn đang được tiêu thụ nhanh và các hoạt động mở bán vẫn diễn ra nhộn nhịp, điều đó chứng tỏ thị trường đã bước vào một chu kỳ mới.

Theo đó, dự kiến trong năm 2016, một số dự án trọng điểm ở khu trung tâm thành phố sẽ được mở bán với mức giá trên 140 triệu đồng/m². Vậy là sau 7 năm trầm lắng, cuối cùng các chủ đầu tư đã lấy lại tự tin trong việc phát triển các dự án cao cấp và hạng sang.

Tuy nhiên, không nên bỏ qua phân khúc bình dân “chất lượng cao” và trung cấp, vì đây chính là nhu cầu thực của người mua để ở. Trong năm 2016, dự kiến sẽ chào đón hơn 45.000 căn hộ từ 90 dự án thuộc mọi phân khúc trên khắp Tp.HCM.

Ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho biết ngay những tháng đầu năm 2016, Novaland sẽ đưa ra thị trường nhiều dự án quy mô lớn. Còn ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh, cho biết dự kiến trong năm nay, đơn vị này sẽ tung ra thị trường khoảng 6.000 sản phẩm nhà.

Tương tự, trong năm 2016, Công ty Him Lam sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 căn hộ với giá từ 1 - 1,5 tỷ đồng/căn. Công ty Phát triển nhà Thủ Đức sẽ “trưng” ra thị trường ngay từ đầu quý 1/2016 một loạt dự án mới, tập trung tại quận 9 và Thủ Đức. Công ty Bất động sản An Gia cũng “bắt tay” với Công ty Địa ốc Phát Đạt để tái khởi động dự án The Everich 2 (quận 7), tung ra thị trường gần 5.000 căn hộ cao cấp…

Tuy nhiên, theo ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, bên cạnh những cơ hội lớn trên, thị trường vẫn phải đối mặt những thách thức không nhỏ. Đó là, nền kinh tế phát triển quá nóng dẫn đến khả năng kiếm tiền nhanh, nhiều và mua BĐS như là phương thức bảo toàn giá trị nguồn tiền kiếm được. Nhà nước buông lỏng chính sách tài khóa, tín dụng dẫn đến tình trạng ngân hàng thương mại cho vay dễ dãi và không kiểm soát được dòng tiền.

Đặc biệt, sự phát triển lệch pha của thị trường, cùng với sự gia tăng rất lớn nhà đầu tư, kinh doanh thứ cấp, đi đôi với tình trạng tăng giá bất hợp lý, sẽ dẫn tới sự xuất hiện của những nhà đầu cơ chuyên nghiệp tạo các đợt sóng liên tục, gây bất ổn thị trường.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư