Tạo thuận lợi hơn nữa trong lựa chọn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Kể từ ngày 1/1/2022, Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ có hiệu lực thi hành. Nhiều hướng dẫn mới tại Thông tư được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi hơn cho công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP và dự án đầu tư có sử dụng đất.
Nhiều dự án kết cấu hạ tầng lớn dự kiến được triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Tấn Tiên
Nhiều dự án kết cấu hạ tầng lớn dự kiến được triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Ảnh: Tấn Tiên

Thông tư 09 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 16/11/2021, thay thế cho Thông tư số 06/2020/TT-BKHĐT. Việc ban hành Thông tư 09 được đánh giá là rất cần thiết, hướng dẫn nhiều quy định mới trong bối cảnh Luật Đầu tư 2020, Luật PPP có hiệu lực từ đầu năm nay.

Đối với dự án PPP, trong bối cảnh Luật PPP và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật này đã có hiệu lực thi hành, Thông tư 09 tiếp nối và hoàn thiện khung pháp lý về PPP nhằm bảo đảm việc thi hành được thống nhất, đồng bộ và hiệu quả. Thông tư 09 đã mẫu hóa tối đa các hồ sơ đấu thầu tương ứng với từng hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP. Như vậy, căn cứ quy định khung, có tính nguyên tắc tại các mẫu ban hành kèm theo Thông tư, cơ quan thực thi chỉ cần bổ sung các nội dung cụ thể, bảo đảm phù hợp với căn cứ đặc điểm, lĩnh vực của từng dự án. Sắp tới đây, hàng loạt dự án kết cấu hạ tầng lớn của đất nước được dự kiến triển khai theo phương thức PPP. Có thể kể đến các công trình trọng điểm của ngành giao thông như Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, các tuyến cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ, Cảng hàng không Sapa, Cảng hàng không Quảng Trị... Với mẫu hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 09, các cơ quan thực thi sẽ có được nhiều thuận lợi khi tổ chức quá trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án PPP này.

Làm sao để lựa chọn được những đối tác tư nhân đáng tin cậy, có năng lực, kinh nghiệm để triển khai đầu tư xây dựng công trình một cách hiệu quả, chất lượng là một yêu cầu được thực tiễn đặt ra. Trong bối cảnh này, các hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 09 là mảnh ghép cần thiết nhằm từng bước đáp ứng đòi hỏi nêu trên từ thực tiễn.

Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, tiếp nối quá trình đồng bộ, tích hợp giữa thủ tục đầu tư và thủ tục đấu thầu dự án tại Luật Đầu tư 2020 và các Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Thông tư 09 hướng dẫn bổ sung một số nội dung kỹ thuật trong quy trình, thủ tục đầu tư; lập, công bố danh mục dự án, bảo đảm đồng bộ với quy hoạch, danh mục dự án Nhà nước thu hồi đất… Đồng thời, cũng mẫu hóa các hồ sơ ở bước yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm và bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, hỗ trợ các cơ quan được thuận lợi tối đa khi triển khai. Mặt khác, Thông tư 09 sẽ khắc phục một số vướng mắc phát sinh từ thực tiễn khi triển khai dự án đầu tư có sử dụng đất với pháp lý giai đoạn trước, đặc biệt là hướng dẫn liên quan tới công tác xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước (m3).

Trong thời gian tới, nhu cầu thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển kết cấu hạ tầng sẽ là một xu hướng. Đó có thể là loại hình kết cấu hạ tầng phục vụ mục đích công như giao thông, bệnh viện, trường học..., hoặc cũng có thể là loại hình kết cấu hạ tầng phục vụ quá trình đô thị hóa như khu đô thị mới, trung tâm thương mại, công trình dịch vụ khác. Những công trình này đều sẽ đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Vì vậy, làm sao để lựa chọn được những đối tác tư nhân đáng tin cậy, có năng lực, kinh nghiệm để triển khai đầu tư xây dựng công trình một cách hiệu quả, chất lượng là một yêu cầu được thực tiễn đặt ra. Trong bối cảnh này, các hướng dẫn chi tiết tại Thông tư 09 là mảnh ghép cần thiết nhằm từng bước đáp ứng đòi hỏi nêu trên từ thực tiễn.

Chuyên đề