Gói thầu xây kè đường tại huyện An Phú (An Giang): “Ép” tiến độ thần tốc, nhà thầu kêu khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện An Phú, tỉnh An Giang (chủ đầu tư) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 17 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng kè chống sạt lở đường Bắc Kênh Mới. Kiến nghị đến Chủ đầu tư, nhiều nhà thầu cho rằng, yêu cầu về tiến độ thi công tại hồ sơ mời thầu (HSMT) là bất khả thi, đẩy rủi ro về phía nhà thầu. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến tại một số dự án đang được dồn dập tổ chức đấu thầu để chạy đua giải ngân trong những tháng cuối năm.
Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực huyện An Phú (chủ đầu tư) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 17 thuộc Dự án ĐTXD kè chống sạt lở đường Bắc Kênh Mới. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ban QLDA đầu tư xây dựng khu vực huyện An Phú (chủ đầu tư) đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 17 thuộc Dự án ĐTXD kè chống sạt lở đường Bắc Kênh Mới. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Gói thầu có giá 103,941 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 22/10 - 9/11/2024, giao Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng TBT làm bên mời thầu.

Tại tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, HSMT yêu cầu “nhà thầu đề xuất thời gian thi công không vượt quá 30 ngày (kể từ ngày khởi công) có tính đến cả điều kiện thời tiết, các ngày nghỉ, lễ theo quy định của pháp luật”. Ngay sau khi HSMT được phát hành, lập tức có hàng loạt kiến nghị cho rằng, thời gian thi công 30 ngày là bất khả thi đối với một gói thầu xây lắp có quy mô lớn, chưa tính đến các điều kiện bất lợi về địa hình, yếu tố bất khả kháng...

Chia sẻ với phóng viên, một số đơn vị xây lắp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, đối với các công trình xây dựng có sử dụng bê tông, thời gian chờ bê tông đạt cường độ sử dụng theo tiêu chuẩn nghiệm thu trong xây dựng mất ít nhất 28 ngày (đạt 99%). Trong trường hợp bê tông chưa đạt cường độ đã được sử dụng sẽ phát sinh rủi ro, khiến công trình không bảo đảm về chất lượng. Đối với hạng mục đóng cọc, quy trình này được dự tính mất rất nhiều thời gian, bởi nhà thầu phải sản xuất cọc thử, sau đó tiến hành đóng cọc thử nghiệm, trường hợp sau thử nghiệm xác định tiêu chuẩn cọc là phù hợp với công trình đang thực hiện thì mới tiến hành sản xuất và thi công đóng cọc đại trà. “Liên quan đến vật tư, cấu kiện dùng trong thi công, chủ đầu tư thường phải tổ chức đi xác minh, kiểm định chất lượng trước khi đưa vào thi công, riêng công đoạn này đã mất đến hàng tháng”, một nhà thầu cho biết. Từ kinh nghiệm thực tế, nhiều nhà thầu khẳng định, gói thầu đang xét không thể hoàn thành chỉ sau 30 ngày thực hiện hợp đồng.

Ngoài ra, theo phản ánh, để đáp ứng tiến độ “thần tốc”, HSMT gia tăng áp lực lên nhà thầu thông qua việc tăng số lượng nhân sự chủ chốt tại mỗi vị trí. Trong đó, vị trí chỉ huy trưởng yêu cầu 2 người, cán bộ giám sát thi công phần kè 4 người, cán bộ giám sát thi công phần giao thông 2 người...

Lý giải nguyên nhân đưa ra các yêu cầu nêu trên, Chủ đầu tư cho biết, theo quyết định phê duyệt Dự án, công trình có thời gian thực hiện đến hết năm 2024. Đồng thời, theo Phụ lục Kế hoạch lựa chọn nhà thầu điều chỉnh được UBND tỉnh An Giang phê duyệt ngày 3/10/2024, Gói có thời gian thực hiện hợp đồng 30 ngày. Căn cứ các văn bản này, Chủ đầu tư khẳng định thời gian thực hiện quy định tại HSMT là phù hợp với thời gian thực hiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm bảo đảm kế hoạch giải ngân nguồn vốn trong năm 2024 theo quy định Luật Ngân sách nhà nước.

Cũng xuất phát từ việc Dự án sử dụng vốn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023 (phải hoàn thành công trình trong năm 2024), để đẩy nhanh tiến độ thi công ngày đêm, 3 ca 4 kíp, Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu huy động 2 nhân sự chỉ huy trưởng để có thể quản lý từ 2 tổ đội thi công trở lên, bảo đảm tiến độ thực hiện Dự án.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số nhà thầu xây lắp cho biết, hiện có nhiều dự án chậm tiến độ, không thể hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn bởi quy trình, thủ tục chuẩn bị đầu tư kéo dài, khiến khâu tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp thường bị kéo dài sang quý IV, đẩy áp lực tiến độ, rủi ro về phía nhà thầu xây lắp. Theo chỉ đạo của một số địa phương, đối với các đơn vị không hoàn thành kế hoạch, số vốn phân bổ trong năm sẽ bị cắt, không phân bổ lại cho năm sau. Trong nhiều trường hợp, nhà thầu thi công cũng liên đới chịu trách nhiệm khi dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, bất chấp lý do khách quan.

Chuyên gia về đấu thầu cho rằng, việc đưa ra yêu cầu về thời gian thực hiện hợp đồng phải căn cứ vào quy mô, tính chất của gói thầu, dựa trên những tính toán phù hợp với khả năng triển khai của nhà thầu. Trường hợp do áp lực giải ngân kế hoạch vốn mà yêu cầu gấp rút về thời gian thực hiện hợp đồng, sẽ đẩy rủi ro rất lớn về phía nhà thầu, từ đó phát sinh nhiều hệ lụy cho các bên.

Chuyên đề