Ưu tiên nguồn lực thực hiện dự án PPP có hiệu quả

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Từ những bản quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thời gian qua, đến danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 và dự kiến của một số địa phương, đều kỳ vọng rất lớn vào phương thức đối tác công tư (PPP) để thu hút nguồn lực tư nhân. Để kỳ vọng thành hiện thực, việc ưu tiên bố trí một phần vốn nhà nước để chuẩn bị tốt dự án, sẵn sàng nguồn lực tham gia vào dự án là rất cần thiết.
Thu hút vốn tư nhân thông qua phương thức PPP là giải pháp được kỳ vọng bù đắp thiếu hụt nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Thu hút vốn tư nhân thông qua phương thức PPP là giải pháp được kỳ vọng bù đắp thiếu hụt nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Nhiều dự án hạ tầng lớn dự kiến kêu gọi đầu tư theo PPP

Theo Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư đường bộ đến năm 2030 khoảng 900 nghìn tỷ đồng. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 313 nghìn tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa). Tại Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đến năm 2030 khoảng 240 nghìn tỷ đồng. Các quy hoạch này đều nhấn mạnh giải pháp thu hút nguồn lực tư nhân, trong đó có phương thức PPP.

Trong Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, có nhiều dự án hạ tầng dự kiến thu hút đầu tư theo phương thức PPP. Danh mục gồm 157 dự án trong nhiều lĩnh vực, riêng hạ tầng giao thông có 34 dự án. Trong số 34 dự án hạ tầng giao thông có 23 dự án dự kiến kêu gọi theo phương thức PPP. Có thể kể đến Dự án Tuyến đường sắt đô thị (metro) số 4 TP.HCM (4,57 tỷ USD); Đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng, tuyến đường sắt Thống Nhất (2,977 tỷ USD); Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 (1,47 tỷ USD), giai đoạn 2 (1 tỷ USD); Đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (1,1 tỷ USD); Đường cao tốc Buôn Mê Thuột - Nha Trang (1,236 tỷ USD)…

Nhiều dự án hạ tầng khác cũng dự kiến kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức PPP như Dự án Hệ thống thoát nước và Nhà máy Xử lý nước thải thành phố Tuyên Quang (50 triệu USD); Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt thành phố Kon Tum (35 triệu USD); Xây dựng Bệnh viện Đại học Quốc gia TP.HCM theo phương thức PPP hoặc 100% vốn nước ngoài (87 triệu USD); Nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang và 2 trung tâm y tế huyện Yên Sơn, Hàm Yên (50 triệu USD)…

Nhiều địa phương cũng xác định PPP là phương thức cần đẩy mạnh để bù đắp thiếu hụt nguồn lực cho đầu tư phát triển. Trao đổi với Báo Đấu thầu, một cán bộ của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Thanh Hóa cho biết, UBDN Tỉnh đã phê duyệt Đề án thu hút đầu tư theo phương thức PPP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trước mắt, có 31 dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo PPP, gồm 8 dự án giao thông, tổng vốn đầu tư 29.800 tỷ đồng; 7 dự án cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải với tổng vốn đầu tư 9.020 tỷ đồng; 9 dự án y tế, giáo dục với tổng vốn đầu tư 9.050 tỷ đồng; 4 dự án công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư 2.050 tỷ đồng; 3 dự án nhà máy điện với tổng vốn 8.600 tỷ đồng.

Ưu tiên bố trí nguồn lực nhà nước làm vốn mồi

Nhìn lại kết quả thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án trong Danh mục quốc gia năm 2014, một trong những nguyên nhân chưa thu hút được nhà đầu tư vào các dự án PPP hạ tầng giao thông, theo Bộ KH&ĐT, là do nguồn lực, kinh phí chuẩn bị và các thủ tục để kêu gọi đầu tư đối với các dự án lớn không có, mới chỉ có danh mục dự án, các điều kiện liên quan hầu như chưa có và không cụ thể.

Theo một chuyên gia, cơ cấu dự án PPP phức tạp hơn dự án đầu tư công. Việc chuẩn bị dự án tốt là rất quan trọng để tăng tính hấp dẫn cho dự án. Bên cạnh đó, với các dự án hạ tầng giao thông thời gian thu hồi vốn dài, tổng vốn đầu tư rất lớn, vốn nhà nước tham gia vào sẽ giúp dự án khả thi, hấp dẫn hơn. Để có nguồn lực cho việc chuẩn bị, tham gia dự án, các bộ, ngành, địa phương cần phải ưu tiên dành một phần ngân sách. Đây là giải pháp thúc đẩy thu hút đầu tư theo phương thức PPP mà cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể chủ động. Sự chủ động này là rất cần thiết để có dự án tốt đưa ra mời gọi nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư thấy được quyết tâm của cơ quan nhà nước, yên tâm hơn khi đầu tư.

Đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của phương thức PPP trong huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương sử dụng vốn nhà nước là vốn mồi, dẫn dắt, thu hút nguồn lực tư nhân. Tại Chỉ thị về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố nghiên cứu, lựa chọn dự án phù hợp để triển khai theo phương thức PPP; ưu tiên bố trí các nguồn lực chuẩn bị và thực hiện các dự án PPP có hiệu quả kinh tế - xã hội và tính khả thi về tài chính và thương mại...

Chuyên đề