Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sáng ngày 15/11/2024, Lễ ký kết văn kiện Dự án Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Đại sứ quán Thụy Sỹ đã diễn ra tại Hà Nội.
Lễ ký kết đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam từ giai đoạn trình diễn các lợi ích của khu công nghiệp sinh thái sang thúc đẩy và nhân rộng các phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Bích Thảo
Lễ ký kết đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam từ giai đoạn trình diễn các lợi ích của khu công nghiệp sinh thái sang thúc đẩy và nhân rộng các phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái. Ảnh: Bích Thảo

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, Lễ ký kết đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam từ giai đoạn trình diễn các lợi ích của khu công nghiệp sinh thái sang thúc đẩy và nhân rộng các phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái, góp phần nâng cao vị thế và phát triển bền vững mô hình này trên cả nước. Bộ KH&ĐT đã tiếp nhận ngân sách 3,346 triệu USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong các khu công nghiệp tại Việt Nam. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của SECO, Việt Nam đã thực hiện chuyển đổi 4 khu công nghiệp sang khu công nghiệp sinh thái (giai đoạn 2015 - 2029) và 3 khu công nghiệp đang thực hiện chuyển đổi từ 2020 - 2024.

Bộ KH&ĐT đánh giá cao việc SECO và UNIDO lựa chọn Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia được hỗ trợ phát triển khu công nghiệp sinh thái theo Chương trình khu công nghiệp sinh thái toàn cầu giai đoạn 2 (2024 - 2028), góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc xây dựng và chuyển đổi khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam, thực hiện kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào phát triển công nghiệp bền vững.

Ông Thomas Gass - Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam cho biết, trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Thụy Sỹ đánh giá cao việc Việt Nam tiếp tục ưu tiên thực hiện 3 đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 là hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thụy Sỹ cũng vui mừng về một số kết quả mà Việt Nam đạt được sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh và cam kết sẽ ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam nhân rộng các khu công nghiệp sinh thái, vì đây là xu hướng tất yếu, đóng góp vào kinh tế xanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Tại Lễ ký kết, bà Lê Thị Thanh Thảo - đại diện quốc gia UNIDO tại Việt Nam cho biết, khu công nghiệp sinh thái không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh. Để nhân rộng mô hình này cần có những giải pháp cụ thể hơn, giúp đẩy nhanh, đẩy mạnh quá trình xanh hóa khu công nghiệp và tuân thủ các quy định của pháp luật. Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với UNIDO trong việc chuyển đổi các mô hình khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái. UNIDO cam kết sẽ đồng hành với Bộ KH&ĐT, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng cho ngành công nghiệp thông minh, bền vững, tạo ra giá trị gia tăng, đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng và các thế hệ tương lai.

Dự án Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam sẽ tập trung vào chuyển đổi các mô hình khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, đóng góp phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện, góp phần từng bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, cam kết đưa phát thải ròng về 0 năm 2050, thực hiện những cam kết quốc tế của Việt Nam trong phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuyên đề