Tạo động lực thúc đẩy liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng từ chuyển đổi số logistics

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mục tiêu đến năm 2045, vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ lớn mang tầm khu vực và thế giới về thương mại, du lịch, tài chính, logistics. Để đạt được mục tiêu này, chuyển đổi số ngành logistics là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng Vùng. Song, theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI),chuyển đổi số trong ngành logistics trong Vùng hiện vẫn còn nhiều khó khăn ở nhiều cấp độ.
Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024 diễn ra chiều ngày 28/5
Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024 diễn ra chiều ngày 28/5

Chia sẻ tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V: Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy tăng trưởng vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) - Hải Phòng 2024 diễn ra chiều ngày 28/5, theo ông Nguyễn Đức Hiền - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, vùng ĐBSH là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Đây được coi là cửa ngõ phía Bắc của nước ta và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới và ngược lại; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế. So với các vùng kinh tế khác trong cả nước, Vùng có hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ và tốt nhất cả nước với đầy đủ 5 phương thức vận tải (đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt) với 3 tuyến hành lang kinh tế đi qua. Do đó, ngành logistics của vùng ĐBSH còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, ngành logistics trong nước cũng đang đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt. Chuyển đổi số được xem là xu thế tất yếu để cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, tăng tính liên kết trong nội bộ tổ chức và giữa các bên trong chuỗi cung ứng, từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) nói riêng, của ngành dịch vụ logistics và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Hiện Đảng, Nhà nước cũng đã có những chủ trương, định hướng lớn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả các mối liên kết phát triển giữa các lĩnh vực trong nền kinh tế; giữa các địa phương, các vùng trong cả nước; phát huy tối đa những lợi thế của vùng và tác động lan tỏa của các vùng động lực, cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế và các cảng quốc tế. Hiện tất cả các bộ, ngành và địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; 17/22 bộ, ngành và 57/63 địa phương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, công tác chuyển đổi số trong ngành logistics trong Vùng hiện vẫn còn nhiều khó khăn ở cả cấp độ vĩ mô, cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và DN.

Theo khảo sát tại Báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương, 90,5% DN dịch vụ logistics tham gia khảo sát cho biết đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các DN đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%. Chỉ có 5% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất “khiêm tốn” 0,4% DN đạt đến cấp độ cao nhất - cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.

Như vậy, theo ông Phạm Tấn Công, hiện tại trên thị trường, DN dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm DN lớn. Phần lớn với 90% DN dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng chia sẻ, hơn 80% DN thành viên là các DN vừa và nhỏ, có quy mô nhân lực, cơ sở vật chất và tiềm lực tài chính vô cùng hạn chế, hiện chủ yếu giới hạn ở các ứng dụng cơ bản như khai báo hải quan, quản lý vận tải, quản lý kho hàng; nguồn nhân lực chủ yếu được tự đào tạo tại DN, và mới chỉ đảm nhận khoảng 20% thị phần dịch vụ logistics trong nước. Các DN dịch vụ logistics Việt Nam hiện cũng tham gia rất hạn chế vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn toàn cầu như LG, Samsung, Nike… để có thể phát triển đồng bộ với những xu thế mới và tiên tiến của thế giới. Nhìn vào đó để thấy rằng, khó khăn, thách thức mà các DN dịch vụ logistics Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung đang phải đối mặt để chuyển đổi số thành công là vô cùng lớn.

Để thúc đẩy chuyển đổi số ngành logistics mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Minh Đức đề xuất, tăng cường công tác tập huấn, truyền thông, phát huy vai trò của mô hình hiệp hội trong việc phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia từng bước cải thiện nhận thức, kiến thức về thực hiện chuyển đổi số cho cộng đồng DN. Tăng cường đầu tư cho các đơn vị đào tạo nguồn nhân lực logistics ở các cấp bậc đại học, đào tạo nghề, đào tạo ngắn hạn. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, phát huy vai trò dẫn dắt của các cơ quan quản lý nhà nước, xây dựng các nền tảng số làm tiền đề cho các DN dịch vụ logistics phát triển các hệ thống đồng bộ. Phát huy vai trò của các tập đoàn, DN công nghệ trong việc cung cấp các dịch vụ, các giải pháp chuyển đổi số cho DN. Đặc biệt, cần có các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích DN dịch vụ logistics chuyển đổi số, bởi quá trình chuyển đổi số đòi hỏi vốn đầu tư lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro,

“Chuyển đổi số không chỉ là đích đến mà là hành trình liên tục của cộng đồng DN. Vì vậy, để thúc đẩy chuyển đổi số, VCCI vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao nhận thức DN về chuyển đổi số và hỗ trợ kết nối DN với các đối tác, nhà cung cấp để thực hiện chuyển đổi số”, ông Phạm Tấn Công cho biết.

Ở cấp độ vĩ mô, ông Nguyễn Đức Hiền cho rằng, cần tiếp tục sớm thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối của Đảng bằng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ theo cơ chế thị trường, thích hợp với trình độ phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế, trong đó cần trọng tâm chú trọng nâng cấp và phát triển hạ tầng logistics. Cần khẩn trương đầu tư phát triển hạ tầng số, trong đó thúc đẩy nhanh quá trình thương mại hóa hóa thiết bị mạng 5G tạo nền tảng cho việc ứng dụng các công nghệ mới và chuyển đổi số trong logistics… Đồng thời, cần có định hướng rõ ràng về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành logistics đầy đủ, chính xác, cập nhật, thúc đẩy việc sáng tạo các ứng dụng, dịch vụ số, chia sẻ dữ liệu để phát triển các giải pháp logistics thông minh.

Chuyên đề